29/9/13

Diễn biến thông thường của ho và cảm lạnh ở trẻ em

Bé Bông 1 tuổi, ho và chảy nước mũi xanh từ 1 tuần nay nhưng vẫn ăn chơi bình thường, không sốt và ngủ khá yên. Liệu bạn có cần đưa bé đi khám bác sĩ hay không? Liệu bé có bị biến chứng viêm xoang hay không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chứng ho và cảm lạnh cũng như cách chăm sóc con khi bé có các biểu hiện này.






6 điều cần biết về virus gây cảm thông thường

1. Virus gây ra cảm và ho 

Phần lớn tất cả các đợt cảm đều do virus cảm thông thường gây ra. Bất kể bé có sốt hay không, có chảy nước mũi xanh, ho có đờm hay nôn ra dịch nhầy hay không, các biểu hiện trong vài ngày đầu đều do virus cảm lạnh gây ra, không phải do vi khuẩn.

2. Kháng sinh không có tác dụng với virus

Kháng sinh chỉ giúp điều trị các biến chứng vi khuẩn của cảm và ho (như viêm phổi, viêm tai, viêm xoang...), chứ không giúp giải quyết các triệu chứng do virus cảm gây ra như ho, chảy mũi, sốt...

3. Virus cảm lạnh thông thường có thể gây chảy mũi xanh, ho có đờm

Vài thập niên trước, người ta vẫn thường tin rằng chảy mũi xanh, ho có đờm và tiếng xọc xạch trong lồng ngực đồng nghĩa với nhiễm vi khuẩn. Quan niệm này dẫn tới việc lạm dụng kháng sinh một cách trầm trọng. Kết quả là các vi khuẩn gây viêm tai, viêm xoang và viêm phổi đã trở nên cứng đầu hơn và kháng kháng sinh một cách mạnh mẽ hơn. Khoa học ngày nay cho chúng ta hiểu rằng rằng chảy nước mũi xanh hay ho có đờm không nhất thiết đồng nghĩa với nhiễm vi khuẩn, virus cũng có thể gây tình trạng này.

4. 'Con tôi ho rất nặng, tiếng ho có đờm, liệu có phải cháu bị viêm phế quản không và có cần dùng kháng sinh không?'

Đúng, ho có đờm nặng nề có thể là biểu hiện của viêm phế quản nhưng có thể bé chưa cần dùng kháng sinh. Ở trẻ em, bệnh viêm phế quản thường do virus cảm lạnh gây ra chứ không phải do vi khuẩn. Tiếng ho nặng của trẻ xuất phát từ việc chất nhày chảy từ mũi xuống dưới và đọng lại trong lồng ngực, gây kích thích ho.

5. Sau cơn ho, bé thường nôn ra nhiều chất nhầy 

Điều này không có nghĩa là bệnh đang nặng lên. Chất nhầy đặc tích tụ nhiều sẽ gây kích thích nôn, đây là phản xạ tự vệ, giúp cơ thể đào thải lượng chất nhầy lớn. 

6. Cảm lạnh thường diễn ra theo hai cách chính

Tình huống 1
  • Bé chảy nước mũi trong vòng vài ngày, sau đó bắt đầu ho nhẹ. 
  • Vài ngày sau nước mũi từ trong chuyển sang đục rồi vàng, xanh. Bé không thể thở bằng mũi. Ho ngày càng nặng hơn, khiến bé tỉnh giấc ban đêm. 
  • Sau 5 đến 7 ngày, bé bắt đầu ho có đờm, thấy tiếng lọc xọc ở lồng ngực, kèm theo sốt. Lúc này bé có thể kêu đau họng, đau đầu và đau bụng. 
  • Sốt kéo dài 3 tới 5 ngày nhưng thường dưới 390C. Sau đó bé hết sốt nhưng nước mũi xanh và ho có đờm vẫn tiếp tục. 
  • Giữa ngày thứ 5 và ngày thứ 7, nước mũi bắt đầu đặc hơn, ít xanh hơn nhưng ho có đờm vẫn tiếp diễn. 
  • Vào tuần thứ hai, mũi thông thoáng hơn, triệu chứng ho cải thiện nhẹ, nhưng vẫn còn lác đác những cơn ho có đờm. 
  • Sau khoảng 3 tuần ho giảm nhiều và hết hoàn toàn vào tuần thứ tư.
Tình huống 2:
  • Bé đột nhiên sốt cao, ho nhiều, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ngạt mũi. Bé có thể nôn, tiêu chảy, ngủ kém, chán ăn. 
  • Sốt, ho, chảy nước mũi xanh, thức giấc về đêm và chán ăn tiếp tục trong 3-5 ngày. 
  • Rồi bé hết sốt, ho và chảy nước mũi xanh tiếp diễn. 
  • Dần dần, sau 2 tuần mũi bắt đầu thông thoáng, ho thưa hơn, bé bắt đầu ăn trở lại và ngủ tốt hơn về đêm. 
  • Sau 3-4 tuần, bé hết ho hoàn toàn và mọi thứ trở lại bình thường.
Hai tình huống nêu trên nghe có vẻ tồi tệ hơn và kéo dài hơn so với những gì xảy ra với con bạn trong các đợt cảm lạnh, nhưng chúng hoàn toàn nằm trong giới hạn của những gì có thể diễn ra khi trẻ bị cảm lạnh thông thường do virus. 

Biết được diễn biến có thể xảy ra, bạn sẽ có quyết định chính xác khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ, khi nào có thể để bé ở nhà và chờ cho đợt cảm qua đi. Chờ ở nhà trong những tình huống nặng nề như mô tả ở trên có thể là điều rất khó khăn đối với phụ huynh, tuy nhiên bạn không nhất thiết phải đưa bé đi khám bác sĩ nếu:
  • Khi hết sốt bé chơi lại gần như bình thường.
  • Bé sốt không nhiều hơn 5 ngày (5 ngày trọn vẹn - 120 giờ).
  • Bé không khó thở (thở nhanh, thở rít mức độ vừa và nặng, đau ngực).
  • Toàn trạng ổn.
Chú ý: Nếu các triệu chứng cảm lạnh tồi đi sau 5 ngày hay không cải thiện sau 10 ngày, bé có thể bị biến chứng viêm xoang và cần được đưa đi khám bác sĩ.

Các tình huống nêu trên được đưa ra nhằm giúp cha mẹ hiểu rằng kháng sinh là không cần thiết trong phần lớn các trường hợp cảm lạnh và ho


Các trường hợp khẩn cấp cần đưa bé đi khám ngay

Đưa bé đi khám bác sĩ khi:
- Có các biểu hiệu của biến chứng do vi khuẩn: viêm tai, viêm xoang, viêm phế quản và viêm phổi.
- Trường hợp bé không có đủ các biểu hiện nêu trên nhưng bạn vẫn cảm thấy băn khoăn không biết có nên đưa bé đi khám bác sĩ không, hãy tìm kiếm 6 dấu hiệu sau:
1. Sốt: sốt >39,50C kéo dài hơn 3 ngày, hoặc >38,30C trong hơn 5 ngày. 
Thông thường, virus cảm lạnh có thể gây sốt trong vòng 5 ngày, tuy nhiên nếu bé sốt cao trên 39,50C trong hơn 3 ngày thì nên đưa bé đi khám. Có thể bé chưa cần kháng sinh cho biểu hiện chảy nước mũi và ho có đờm nhưng bác sĩ sẽ quyết định liệu có cần dùng kháng sinh hay không sau khi đánh giá có nhiễm trùng vi khuẩn hay không. Xem bài xử trí sốt ở trẻ em tại đây. 

2. Bé uể oải, quấy khóc bất thường, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Uể oải ở đây không có nghĩa là bé thôi không muốn chơi đùa nữa, mà có nghĩa là bé không còn tiếp xúc bằng mắt hoặc không thể tập trung vào bạn, hay không đáp ứng khi bạn gọi. Bé nằm rũ trên đùi của bạn, mắt lim dim.

3. Bé có tiền sử viêm tai tái phát.

4. Đau tai mức độ vừa đến nặng.

5. Bé có vẻ ốm khác thường, nếu bạn có cảm giác có chuyện gì đó không ổn thì nên đưa bé đi khám bác sĩ.

6. Tiếng thở rít khi hít vào, cần phân biệt âm thanh này với tiếng thở khò khè do tắc nghẽn ở mũi hoặc lồng ngực. Đặc biệt, nếu thấy trẻ khó thở thì phải đưa đi khám bác sĩ ngay.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét