22/2/12

Xử trí sốt ở trẻ em

Bé thức giấc lúc nửa đêm và khóc ngặt nghẽo. Sờ trán thấy nóng, cặp nhiệt độ 39,5 ° C ! Bạn hết sức lo lắng. Có nên gọi bác sĩ không? Hay phải đưa con tới phòng khám cấp cứu? Hãy tham khảo lời khuyên của các bác sĩ nhi khoa.  




NHẬN BIẾT SỐT

Bình thường, nhiệt độ của cơ thể không vượt quá 37, 2 ° C (phương pháp cặp dưới hố nách), con số này tương đương 37,5° C nếu đo ở miệng và 38 ° C nếu đo ở hậu môn. Bài viết này sử dụng số đo nhiệt độ theo phương pháp cặp nách.  

Phân loại sốt:
·         Sốt nhẹ: 37,3-38,3 ° C
·         Sốt vừa: 38,4-39,7 ° C
·         Sốt cao: 39,8 ° C trở lên

KHI NÀO CẦN GỌI BÁC SĨ?


·         Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với bệnh nhiễm trùng, không nhất thiết là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm.
·         Sốt nhẹ thường không nguy hiểm, dễ điều trị, bạn có thể chờ tới sáng mới đưa bé đi khám bác sĩ.
·         Sốt 38,4-39,5 °C nói chung cũng không nguy hiểm và có thể đợi tới sáng mới đưa bé đi khám bác sĩ, ngoại trừ các trường hợp sau.
·         Sốt 40°C hoặc cao hơn nhưng hạ nhanh xuống 37,8 -38,3 độ C nhờ điều trị bằng các phương pháp dưới đây cũng không nguy hiểm và có thể chờ tới sáng, ngoại trừ các trường hợp dưới đây.


Những trường hợp cần gọi bác sĩ  ngay

     ·         6 tuần tuổi hoặc nhỏ hơn, sốt 40 °C  hoặc hơn mà không hạ được xuống 37,8 -38,3°C sau khi đã áp dụng các biện pháp dưới đây.
     ·         Lừ đừ - người bé mềm rũ ra, không có sức sống, bé  không đáp ứng với kích thích bên ngoài hoặc không tiếp xúc bằng mắt.
     ·         Kích thích: Bé có thể khóc hàng giờ liền, rất ít giao tiếp bằng âm thanh, gần như không thể dỗ nín.


     ·         Hội chứng viêm màng não: triệu chứng bao gồm sốt cao, cứng gáy hoặc đau ở vùng cổ gáy, nôn, đau đầu, không chịu được ánh sáng. Trước khi gọi bác sĩ, bạn cũng cần tìm kiếm các dấu hiệu khác như ho, nôn, phát ban… và làm theo chỉ dẫn dưới đây.


SỐT CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Không! Nhiều bậc phụ huynh hiểu nhầm rằng sốt là điều xấu và là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn. Điều này không đúng. Sốt là phản ứng bình thường và khỏe mạnh của cơ thể với bệnh tật. Hệ miễn dịch tiết ra các hóa chất làm tăng nhiệt độ cơ thể. Đó là một phần bình thường của quá trình chiến đấu chống bệnh nhiễm trùng.

CÓ CẦN ĐIỀU TRỊ SỐT NHẸ KHÔNG?

Không.  Sốt nhẹ có ích cho quá trình đẩy lùi bệnh nhiễm trùng. Bạn chỉ nên hạ sốt nếu sốt làm bé rất khó chịu. Chỉ điều trị cho bé dễ chịu chứ không điều trị triệu chứng sốt.

BA NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY SỐT

·         Nhiễm virus (siêu vi trùng) – đây là nguyên nhân thường gặp nhất trong sốt ở trẻ em. Ví dụ: cảm , cúm, thủy đậu, bệnh chân tay miệng và rất nhiều bệnh khác. Phần lớn các virus không nguy hiểm. Chúng cần đi hết quãng đường của mình trong vài ngày. Không thể chữa khỏi bệnh nhiễm virus bằng kháng sinh.
·         Nhiễm vi khuẩn - ví dụ viêm tai, viêm xoang, viêm phổi, viêm bàng quang, viêm họng do liên cầu khuẩn. Những bệnh này có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh, việc điều trị có thể đợi 12 giờ, bạn có thể đưa bé đi khám vào sáng hôm sau. 
·         Mọc răng- hiện tượng này có thể gây sốt, mặc dù thường không cao hơn 38,4 °C.

CÁCH ĐO NHIỆT ĐỘ CHO BÉ

·         Dùng nhiệt kế thủy tinh thông thường đo dưới nách- phương pháp cổ điển này vẫn tỏ ra chính xác nhất, tuy khó áp dụng với trẻ đang khóc, vặn vẹo. Cố giữ nhiệt kế trong 3 phút, đầu nhiệt kế phải nằm sâu trong hố nách.


·         Dùng nhiệt kế đo nhiệt độ ở tai – phương pháp này thuận tiện và đã trở nên thông dụng. Tuy nhiên độ chính xác của nó dao động. Một tai có thể cho nhiệt độ  36,7°C , trong khi tai khác lại cho 39,4 °C. Nếu nhiệt độ đo được nằm trong giới hạn bình thường, có thể chỉ số này là đúng. Nếu nhiệt độ đo được là 39,5 °C, bạn nên kiểm tra lại bằng nhiệt kế thủy tinh. Chỉ số 37,2-38,9 °C là đáng tin cậy hơn.




·         Nhiệt kế thủy tinh đo hậu môn – phương pháp này chỉ nên áp dung cho các bé từ 3 tháng tuổi trở xuống vì ở giai đoạn này độ chính xác có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhẹ nhàng đưa nhiệt kế vào sâu trong hậu môn khoảng 1,25 cm và giữ tại chỗ 3 phút.
·         Nhiệt kế điện tử - có thể dùng đo ở miệng, dưới nách hoặc đo ở hậu môn. Nhiệt kế này đo nhanh hơn nhiều so với nhiệt kế thủy ngân, mặc dù bạn cũng mất đi phần nào độ chính xác, tương tự như với nhiệt kế đo tai.




SỬ DỤNG THUỐC 


Nếu sau khi cân nhắc bạn thấy cần dùng thuốc hạ nhiệt thì có thể lựa chọn các thuốc sau:  

Acetaminophen (Paracetamol, Efferalgan, Dafalgan…)- thuốc hạ nhiệt, giảm đau này đã được dùng từ lâu và tỏ ra hiệu quả trong phần lớn trường hợp. 

                              
                              Liều dùng:  10mg/kg x 4 giờ/lần
                                        hoặc  15 mg/kg  x 6 giờ/lần.

Nghiên cứu năm 2001 cho thấy ở trẻ sốt cao, việc dùng liều acetaminophen ban đầu cao gấp đôi liều thông thường giúp hạ sốt nhanh hơn mà vẫn an toàn. Chỉ dùng liều gấp đôi nếu bé sốt cao và chỉ được dùng một lần mỗi vài ngày, nếu cần thiết. Những liều còn lại phải là liều thông dụng.   

Ibuprofen – loại thuốc mới hơn này cũng hiểu quả cho hạ nhiệt và giảm đau. Nó tỏ ra hiệu quả hơn khi bé sốt cao, và tác dụng kéo dài hơn. Có thể dùng thuốc 6 giờ/lần. Trước đây, thuốc chỉ được dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, nhưng gần đây thuốc được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Tại Việt Nam thuốc được bán dưới tên gọi Ibrafen, hỗn dịch uống chai 60 ml/100 mg/5ml. 
                               
                          Liều dùng: 5-10 mg/kg cân nặng (tương đương 0,25-0,5ml Ibrafen/kg), 6 h/lần
   
 Sử dụng kết hợp cả hai loại thuốc nói trên – tốt nhất là chỉ nên dùng một trong hai loại thuốc này. Tuy nhiên, nếu dùng một loại thuốc mà nhiệt độ không hạ đáng kể hoặc lại tăng trở lại rất nhanh thì bạn có thể:
              - Dùng thêm thuốc thứ hai mà không cần chờ đến giờ cho liều mới, phương pháp này vẫn an toàn cho bé. 
              - Hoặc dùng xen kẽ hai loại thuốc trên cứ 3 giờ một liều. Ví dụ, 8h00:  paracetamol,  11h: ibuprofen, 14h: paracetamol…

Một số lưu ý khác: 
Ø        Nếu bé bị nôn  và không uống được bất cứ thuốc gì, bạn có thể dùng paracetamol dạng đặt hậu môn.   
Ø   Chườm khăn ấm: Dùng khăn thấm nước ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2 độ C chườm các vùng có mạch máu lớn đi qua (hố nách, bẹn, cổ)  để đẩy nhanh quá trình tỏa nhiệt. Khi bé sốt cao, cần kết hợp với dùng thuốc, không dùng biện pháp này một mình.
Ø   Cho bé uống nhiều nước giúp hạn chế tình trạng mất nước.
Ø  Không dùng Aspirin cho trẻ em.

NẾU BẠN CẢM THẤY “BẤT AN” VÀ LO RẰNG BÉ BỊ BỆNH NẶNG THÌ HÃY GỌI BÁC SĨ NGAY. 
Bác sỹ Nhi khoa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét