2/4/19

Hỏi đáp về tắm và vệ sinh cho bé sơ sinh


Câu 1: Cách chăm sóc rốn cho bé sơ sinh

Thông thường rốn trẻ sơ sinh sẽ khô và rụng sau 1-3 tuần. Trong khoảng thời gian này, cần giữ cho vùng rốn của trẻ được khô thoáng, tránh bị nhiễm trùng. Mẹ có thể để hở hoặc băng lại rốn cho con bằng gạc mỏng. Chú ý khi quấn tã không nên che vùng rốn của bé vì làm vậy sẽ gây bí, nóng dễ dẫn đến viêm nhiễm. Rốn được để hở sẽ nhanh khô và nhanh rụng hơn rốn bị băng kín.




Cần chăm sóc và theo dõi rốn hàng ngày. Làm vệ sinh rốn mỗi ngày một lần. Lưu ý chỉ dùng cồn 70 độ để làm vệ sinh chân rốn và cuống rốn, không dùng cồn 90 độ vì có thể gây bỏng cho trẻ nhỏ. Tuyệt đối không sử dụng bông để làm vệ sinh rốn vì những sợi từ bông có thể dính vào rốn, rất khó lấy ra.

Nếu phát hiện một trong các triệu chứng sau thì nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay:

Rốn rỉ nước vàng, có mùi hôi hoặc rốn có mủ.
-  Chảy máu rốn nhiều, khó cầm máu.
-  Da quanh rốn sưng nề, tấy đỏ.
-  Rốn có chồi hạt, rỉ nước kéo dài.
-  Rốn chậm rụng sau 3 tuần.

Câu 2: Khi tắm cho bé sơ sinh, trường hợp rốn chưa rụng thì có thể nhúng cả người bé và phần rốn chưa rụng vào nước được không, có nguy hiểm gì không?

Nếu rốn của bé chưa rụng nhưng vẫn sạch sẽ, khô ráo, không có biểu hiện bất thường thì khi tắm bạn vẫn có thể nhúng toàn bộ người bé và phần rốn chưa rụng vào nước. Việc làm này không gây nguy hiểm gì cho bé. Sau khi tắm bạn cần làm vệ sinh rốn sạch sẽ bằng cồn 70 độ là được.

Câu 3: Nên chuẩn bị nước tắm cho bé như thế nào, nhiệt độ nước bao nhiêu là vừa, có mẹ cẩn thận mua nước lavie tắm cho con, việc này có cần thiết không?

Nước tắm cho bé sơ sinh cần là nước sạch, không nhiễm bẩn. Không cần dùng nước La Vie để tắm cho bé. Trong những ngày đầu rốn chưa rụng, nên dùng nước đun sôi để nguội để tắm cho bé. Khi rốn đã rụng, có thể dùng nước sạch từ vòi.
Nhiệt độ nước tắm cần duy trì ở mức 37 C0. Muốn vậy khi chuẩn bị, mẹ cần pha nước ở mức 38-39 C0 để khi cởi xong áo quần và cho bé vào chậu tắm thì nhiệt độ nước đã về 37 C0.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới nhiệt độ trong phòng. Nên chọn nơi kín gió, với nhiệt độ phòng khoảng 28 – 30 C0.

Câu 4: Có nên dùng các loại lá dân gian đun lên lấy nước tắm cho bé hay không?

Trẻ sơ sinh khỏe mạnh không cần tắm bằng bất kỳ loại nước lá nào. Việc tắm nước lá cho bé ẩn chứa nhiều rủi ro. Các loại lá cây đều có thể chứa vi khuẩn, bụi bẩn, mảnh xác côn trùng, hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng... bị nhiễm gián tiếp từ các loại câu trồng để ăn xung quanh đó. Da của trẻ sơ sinh mỏng và tính thấm rất cao, vì vậy việc tắm cho bé bằng nước lá có thể gây kích ứng da và tạo điều kiện để vi khuẩn và các chất độc hại đi vào cơ thể.
 
Câu 5: Nên làm vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé gái và bé trai thế nào?

Vệ sinh bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh là việc cần thực hiện hàng ngày. Tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó có cả cơ quan sinh dục, cần được rửa sạch sẽ bằng nước và không đòi hỏi chăm sóc đặc biệt nào. Mẹ cần rửa sạch tay của mình trước khi làm vệ sinh cho con.

Với các bé gái, bạn nên dùng tay sạch để làm vệ sinh cho con, không dùng bất kỳ loại khăn nào. Chú ý di chuyển tay đúng hướng, từ trước ra sau. Không di chuyển theo chiều ngược lại (từ sau ra trước) vì như vậy bạn sẽ đưa những thứ bẩn vào cơ quan sinh dục của bé. Dùng nước từ vòi, hoặc nước trong chậu tắm và chỉ rửa trên bề mặt, tới môi lớn, tuyệt đối không đưa xà phòng vào sâu hơn. Nguyên nhân hay gặp nhất trong viêm âm đạo ở bé gái là xà phòng hay sữa tắm rơi vào âm đạo và không được rửa sạch, gây viêm. Nên dùng loại xà phòng/sữa tắm dành cho trẻ dưới 1 tuổi.

Việc vệ sinh vùng kín chỉ nên thực hiện có chừng mực. Trên bề mặt niêm mạc thường xuyên có một lượng lớn vi khuẩn cư trú, và nếu chúng ta tẩy rửa các vi khuẩn này chục lần mỗi ngày thì nguy cơ bị viêm tăng lên. Vệ sinh 1-2 lần mỗi ngày là ngưỡng tối đa, không nên nhiều hơn. Không nên rửa bé quá nhiều lần, nhất là khi đã có giấy ướt, nhưng phải chọn loại giấy ướt không có cồn và thuốc sát khuẩn.

Với các bé trai, việc chăm sóc phần kín cũng không đòi hỏi sự khác biệt nào so với chăm sóc các bộ phận khác của cơ thể. Rửa sạch từ bên ngoài bằng nước sạch và xà phòng hàng ngày là đủ.

Đừng tìm cách vuốt mạnh bao quy đầu ở trẻ sơ sinh về phía bụng vì trong hầu hết các trường hợp bao quy đầu chưa tự tách được. Đây là hiện tượng hẹp bao quy đầu sinh lý. Khi mới sinh 96% trẻ có hiện tượng hẹp bao quy đầu sinh lý. Tỷ lệ này giảm xuống còn 10% khi trẻ lên 3 tuổi. Như vậy trong 90% bao quy đầu sẽ tự lộn được khi bé lên 3.

Trường hợp bao quy đầu không tự lộn được khi trẻ đã 3-4 tuổi hoặc hẹp bao quy đầu gây trở ngại cho việc tiểu tiện của trẻ, cha mẹ có thể áp dụng biện pháp dùng tay kéo căng da quy đầu mỗi ngày. Phần lớn các trường hợp bao quy đầu bị hẹp có thể được nong rộng trong vòng 1-2 tháng nhờ bài tập này, thực hiện đều đặn 2 -3 lần mỗi ngày.
  • Dùng dầu dưỡng dành cho trẻ (baby oil), dầu Vaseline bôi tay, hay dầu dưỡng cơ thể (body lotion) làm chất bôi trơn.
  • Nhẹ nhàng kéo da quy đầu về phía trước (ra xa người bé) vài lần, rồi nhẹ nhàng kéo ngược lại về phía sau (tới mức bé chịu đựng được và không bị đau).
  • Giữ nguyên tư thế này trong vài phút.
  • Lặp lại động tác này vài lần mỗi ngày.
  • Bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu được làm bài tập này khi đang ngâm mình trong nước.
Phương pháp này không gây sang chấn cũng như không gây tổn thương cấu trúc của da quy đầu. Tuy nhiên, cha mẹ cần thực hiền động tác kéo căng bao quy đầu một cách từ từ, nhẹ nhàng, lần sau kéo căng nhiều hơn lần trước, như thế lớp bao da sẽ giãn dần. Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp tốt giữa cha mẹ và trẻ, và đặc biệt là tuân thủ kỹ thuật, tránh gây biến chứng tạo sẹo sau này. Nếu sau 1 tháng mà không có kết quả, cần đưa bé đi khám bác sĩ để được hướng dẫn tiếp.

Câu 6: Việc mát xa cho bé nên thực hiện trước khi tắm hay sau khi tắm?

Nói chung, việc mát xa cho bé có thể thực hiện trước hoặc sau khi tắm, tùy thuộc vào kiểu da của bé, thời tiết.

Mát xa trước khi tắm sẽ phù hợp với trẻ có da nhờn, khi thời tiết nóng và ẩm. Tuy chưa có nhiều bằng chứng nhưng một số chuyên gia tin rằng dầu mát xa còn đọng lại trên da của trẻ, nhất là trong các nếp gấp của da, có thể làm bít lỗ chân lông, cản trở việc ra mồ hôi và có thể dẫn đến tình trạng rôm sẩy khi thời tiết nóng ẩm.

Mát xa sau khi tắm sẽ phù hợp với trẻ có làn da khô, khi thời tiết mát mẻ khô ráo. Nếu bé có làn da khô hoặc bị chàm, bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng các loại kem hay dung dịch dưỡng ẩm (lotion) dành cho trẻ em để mát xa cho bé. Nếu tiến hành mát xa cho bé trước khi tắm thì các chất giữ ẩm này sẽ bị rửa sạch khi tắm. Ngược lại, mát xa sau tắm sẽ giúp các chất giữ ẩm được hấp thu và nằm lại ở lớp trên cùng của da, làm tăng cường độ ẩm của da hiệu quả hơn. 

Khi trời lạnh, có thể tiến hành mát xa mà không cởi áo quần của bé. Trường hợp này bạn không cần bôi kem giữ ẩm hay dầu. Việc mát xa có thể thực hiện trước khi ngủ, giúp bé vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

BS Thu Thủy 
Phòng khám Cây thông xanh 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét