9/3/19

Các mốc phát triển của trẻ - những điều cha mẹ cần biết


Làm cha mẹ là một hành trình đầy ắp cả niềm vui và lo âu, bối rối. Giữa nụ cười đầu tiên khi thấy bé chào đời và nỗi lo thắt ruột khi con lần đầu rời nhà đi học là biết bao hồi hộp, vui buồn. Bạn sẽ không ngừng tự hỏi liệu con có ổn không. Đã đến lúc tập cho bé ngồi bô chưa? Tuổi này con đã phải biết đi, biết nói chưa? Đó chính là khi các mốc phát triển sẽ giúp ích nhiều cho bạn.

Ngay từ khi sinh, trẻ đã không ngừng học hỏi – học sử dụng giọng nói, cơ thể, não bộ và cảm xúc. Các cột mốc là những điểm đánh dấu giúp bạn biết khi nào có thể mong đợi bé học được những kỹ năng mới, ví dụ biết lẫy, biết bò, biết đi, biết nói. Các mốc phát triển cung cấp cho bạn và bác sĩ cách đánh giá sự phát triển của trẻ một cách chuẩn mực.

Trẻ em là những cá thể khác biệt và sẽ đạt các mốc phát triển theo tốc độ riêng. Nhưng nhìn chung, các bé bắt đầu học các kỹ năng tương tự vào cùng một thời điểm. Ví dụ, trẻ thường biết bò ở quanh độ tuổi 9 tháng. Điều quan trọng cha mẹ cần ghi nhớ đó là các mốc phát triển chỉ là cột mốc trung bình. Điều này có nghĩa là một nửa số trẻ sẽ biết bò trước 9 tháng tuổi và nửa còn lại biết bò muộn hơn một chút. Các mốc phát triển chỉ là gợi ý đánh giá, không nên dựa vào chúng một cách cứng nhắc.

Tại sao các mốc phát triển lại quan trọng?

Tuy cha mẹ không nên bị ám ảnh bởi các mốc phát triển của trẻ, nhưng chúng cũng rất quan trọng vì đôi khi trẻ có thể bị chậm phát triển. Trong đa số trường hợp, trẻ càng nhận được sự giúp đỡ sớm thì càng tiến bộ nhiều hơn. Các mốc phát triển cho bạn kỹ năng  đánh giá con mình đang ở đâu. Chúng cũng cho biết bạn có thể chờ đợi điều gì tiếp theo để có thể hỗ trợ con tốt nhất.

Bác sĩ nhi khoa sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các mốc phát triển quan trọng của trẻ trong các lần khám và đánh giá phát triển toàn diện. Những lần khám này cũng cho bạn cơ hội đặt câu hỏi hay chia sẽ những lo ngại mà bạn đang ấp ủ về con.

Trong 5 năm đầu đời, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, các bé nên được đánh giá vào các thời điểm 1 tháng, 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 tuổi, 1 tuổi rưỡi, 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi.  

Cách tính mốc phát triển cho bé sinh non

Với các bé sinh non (sinh trước ngày dự tính hơn 3 tuần), có 2 ngày quan trọng cần ghi nhớ. Ngày bé chào đời và ngày sinh sự kiến. Khi đánh giá sự phát triển của trẻ - nghĩa là khi bạn tìm kiếm những gì là ‘bình thường’ đối với lửa tuổi của bé – tại những thời điểm khác nhau bạn cần cân nhắc các mốc thời gian khác nhau. 
  • Trong 2 năm đầu đời, các mốc phát triển cần được tính dựa vào ‘tuổi điều chỉnh’ của bé. Ví dụ nếu bé đang 14 tuần tuổi nhưng sinh non 6 tuần thì lấy 14 trừ đi 6 sẽ ra tuổi thực của bé (tuổi điều chỉnh) là 8 tuần. Hãy dùng tuổi này khi xác định các mốc phát triển của bé.

  • Khi được 2 tuổi, phần lớn trẻ đã đuổi kịp các bé sinh đủ tháng và bạn không cần dùng tuổi điều chỉnh nữa. Nếu bé vẫn chưa đuổi kịp các bạn vào thời điểm này thì cha mẹ cần hỗ trợ con thêm một thời gian nữa.
Các mốc phát triển bao trùm những kỹ năng gì?

Các mốc phát triển được đưa ra theo độ tuổi và chia nhỏ các kỹ năng trẻ học được trong một vài lĩnh vực:

1. Kỹ năng Giao tiếp và Ngôn ngữ bao gồm lời nói và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp và hiểu người khác.

2. Kỹ năng vận động và thể chất liên quan đến các kỹ năng vận động thô như bò, đi bộ và nhảy, và các kỹ năng vận động tinh như sử dụng bàn tay và các ngón tay để cầm thìa xúc đồ ăn, mặc quần áo, cầm bút viết…

3. Kỹ năng xã hội và cảm xúc bao gồm việc hình thành các mối quan hệ, chơi đùa và chia sẻ với những người khác, và đáp lại những cảm xúc của người khác.

4.Kỹ năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi, giải quyết vấn đề và sử dụng lý trí.

Trong quá trình đánh giá, quan trọng nhất là theo dõi xem bé có tiến bộ hay không. Ví dụ, bé cần chuyển từ biết chống tay đứng dậy, biết vịn tay đứng lên, biết tự đứng rồi biết đi. Những dấu hiệu thoái lui (ví dụ bé trước đây đã nói được một số từ nhưng sau này lại không còn khả năng đó nữa) là tín hiệu đáng lo ngại, cần được đánh giá và xử lý sớm. 

Khi dịch chuyển qua những mốc quan trọng ở các độ tuổi khác nhau, trẻ học được các kỹ năng ngày càng phức tạp hơn. Các kỹ năng mới luôn được xây dựng dựa trên các kỹ năng hình thành tại các mốc phát triển trước đó. Đây chính là lý do vì sao việc phát hiện sớm những chậm trễ trong sự học hỏi của trẻ là hết sức quan trọng. 

Khi nào cha mẹ cần lo lắng?

Bạn có một lộ trình cần tuân thủ, bạn muốn đảm bảo là con sẽ học được tất cả những điều cần học, nhưng chắc hẳn bạn chẳng muốn cứ chăm chăm nhìn vào các cột mốc trong khi cùng con tiến về phía trước. Hãy tin ở trực giác và nhớ rằng bạn biết rõ con mình hơn ai hết. 

Tuy nhiên, khi có băn khoăn, hãy trao đổi với bác sĩ để nếu có rắc rối thì bạn có thể bắt đầu giải quyết ngay. Trường hợp ngược lại, bác sĩ sẽ giúp bạn yên tâm là bé phát triển bình thường. Tại mỗi lần khám đánh giá phát triển toàn diện, bác sĩ sẽ kiểm tra những mốc phát triển bé đã đạt được so với độ tuổi và giải thích về những gì bạn cần chờ đợi cho lần khám tiếp theo.

Cần ghi nhớ rằng không trẻ nào giống trẻ nào. Đừng buồn phiền khi thấy mấy đứa trẻ hàng xóm cùng lứa tuổi với con bạn đã biết làm vô số điều mà con bạn chưa thể làm. Chẳng cần biến hành trình làm cha mẹ thành một cuộc đua. Các mốc phát triển có rất nhiều không gian để ‘cựa quậy’. Một trẻ khỏe mạnh có thể biết bò lúc 5 tháng hay 9 tháng. Cả hai điều này đều là bình thường.

Hơn nữa, hầu như cha mẹ nào cũng có những nỗi lo tương tự như bạn. Khi đứng ở sân chơi, bạn có thể băn khoăn tự hỏi tại sao tất cả lũ trẻ đều đã biết leo trèo còn con mình thì không. Trong khi đó, một vài ông bố bà mẹ khác thì lại có chút suy tư vì bé của bạn nói được nhiều từ hơn so với con của họ. Vì vậy, hãy để mắt tới các mốc phát triển và sử dụng chúng như người dẫn đường, đừng biến chúng thành nguồn lo âu của bạn. Và bất kể khi nào có băn khoăn, hãy liên hệ với bác sĩ.

Khám và đánh giá phát triển toàn diện cho trẻ dưới 5 tuổi là hoạt động được đặc biệt quan tâm tại Phòng khám Cây thông xanh.

Bác sĩ Thu Thủy
Phòng khám Cây thông xanh

Tài liệu tham khảo:
https://www.webmd.com/parenting/child-milestones-what-you-need-to-know#1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét