12/5/19

Hành động có tính phản xạ của trẻ sơ sinh

Trẻ được sinh ra với một số cử động hay hành động không chủ ý. Trong số này, một vài hành động mang tính tự phát, xuất hiện tự nhiên như một phần hoạt động thông thường của trẻ (hít thở, tiểu tiện, đại tiện). Một số khác là phản xạ, đáp ứng lại những hành động nhất định, những cử động này mang tính bản năng, được thiết kể để bảo vệ và giúp trẻ sống sót. 






Phản xạ giúp xác định hoạt động bình thường của não và dây thần kinh. Một số phản xạ chỉ xuất hiện trong giai đoạn đặc hiệu của quá trình phát triển. Sau đây là một vài phản xạ thường gặp ở trẻ sơ sinh:

1. Phản xạ tìm kiếm


Phản xạ này bắt đầu khi góc miệng của bé bị đụng chạm. Bé sẽ quay đầu và há miệng sục sạo theo hướng được chạm.  Điều này giúp bé tìm thấy bầu vú mẹ hay bình sữa để bắt đầu bú.

2. Phản xạ mút


Phản xạ tìm kiếm giúp trẻ sẵn sàng để mút. Khi vòm miêng bị đụng chạm, trẻ sẽ bắt đầu mút. Phản xạ này chỉ xuất hiện ở tuần 32 của thai kỳ và hoàn thiện khi bé được 36 tuần tuổi. Vì lý do này, trẻ sinh non có thể mút yếu hay mút chưa hiệu quả. Cùng với các phản xạ tìm kiếm và mút, trẻ cũng có phản xạ đưa tay vào miệng và do đó có thể tự mút ngón tay hay bàn tay của mình.

3. Phản xạ bước đi tự động


Nếu được giữ thẳng người, chân đặt trên sàn cứng thì trẻ sơ sinh sẽ tạo cử động giống như khi nhấc chân lên hay bước chân đi.

4. Phản xạ Moro


Phản xạ này thường được gọi là phản xạ giật mình vì nó xuất hiện khi bé sơ sinh bị giật mình bởi tiếng động lớn hay một cử động. Đáp lại với tiếng động, bé ngửa đầu ra sau, giang rộng hai tay, duỗi hai chân, cất tiếng khóc rồi gập tay và chân lại như cũ. Tiếng khóc của chính em bé cũng cũng có thể làm khởi động phản xạ này. Phản xạ Moro tồn tại sau sinh khoảng 5-6 tháng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là bản năng sống còn nguyên thủy được tạo ra để cảnh báo cho bé khi bị mất thăng bằng, khiến mẹ không buông tay đánh rơi con.  Một số hành động khác có thể là dấu tích từ giai đoạn nguyên thủy của tiến hóa loài người, ví dụ phản xạ nắm được cho là bắt nguồn từ tổ tiên vượn của chúng ta, con cái của họ phải bám chặt vào mẹ khi được mẹ mang theo người. 

5. Phản xạ trương lực cổ bất đối xứng (nghẹo cổ)


Khi đầu trẻ được xoay về một phía, cánh tay cùng bên sẽ duỗi thẳng, cánh tay đối diện gập lại tại khuỷu tay. Đây thường được gọi là tư thế của người 'đấu kiếm'. Phản xạ này tồn tại sau sinh 6-7 tháng.

6. Phản xạ lòng bàn tay nắm


Cọ vào lòng bàn tay của trẻ khiến trẻ gập bàn tay và ngón tay lại. Phản xạ này hết 5-6 tháng sau sinh.  

7. Phản xạ Babinski


Khi gan bàn chân bị đụng mạnh, ngón chân cái vểnh ngược lên trong khi các ngón còn lại xòe ra. Phản xạ này tồn tại tới 2 năm sau sinh.

BS Thu Thủy 
Phòng khám Cây thông xanh

Tài liệu tham khảo:

BMA Family Doctor Home adviser

https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=newborn-reflexes-90-P02630



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét