17/6/14

Chấn thương xương cùng cụt

Xương cùng cụt là những đốt xương cuối cùng của cột sống. Giữa các đốt sống có đĩa đệm. Phần khớp giữa các đốt sống khi bị chấn thương sẽ dồn nén các đốt sống chèn ép đĩa đệm, gây đau, nhất là khi ngồi lâu. Trượt chân gây ngã ngồi, đụng mông xuống sàn cứng là nguyên nhân hay gặp nhất gây chấn thương xương cùng. Phụ nữ chiếm đa số vì khung chậu rộng, xương cùng bị bộc lộ nhiều hơn.








Biểu hiện
  • Chấn thương xương cùng cụt thường gây đau, bầm dập ở vùng xương cùng.
  • Có thể gây trật khớp hay gãy xương cùng cụt. Tuy nhiên gãy xương thường hiếm gặp.
  • Mặc dù bệnh rất lâu lành, đa số trường hợp có thể xử lý bằng điều trị thận trọng. Nếu có gãy xương thì cần tới 8 tuần để lành, nếu không có gãy xương: cần 4 tuần.
Triệu chứng
  • Đau ở vùng lưng dưới
  • Đau ở vùng chóp mông
  • Đau hay tê khi ngồi
  • Đau nặng lên khi ngồi lâu hay ép trực tiếp lên vùng xương cùng.
  • Đi ngoài có thể đau đớn
Xét nghiệm
  • Bác sĩ sẽ chụp X quang để phát hiện gãy xương hay lệch khớp.
Điều trị

- Điều trị triệu chứng (trong những ngày đầu hay những tuần đầu sau chấn thương):
  • Nghỉ ngơi - ngừng mọi hoạt động thể chất có thể gây đau. Nghỉ ngơi càng nhiều thì chấn thương càng mau lành.
  • Chườm đá ở vùng xương cùng khoảng 20 phút mỗi giờ trong vòng 48 giờ đầu, sau đó 2-3 lần mỗi ngày để giảm đau và giảm phù nề. Đựng đá trong túi nilon rồi dùng khăn bông bọc lại, không để đá tiếp xúc trực tiếp với da.
  • Nên nằm nghỉ ngơi mỗi khi ngồi hơi lâu. 
  • Khi đau nhiều có thể uống các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid như Ibuprofen hay naproxen. Chú ý không dùng các thuốc này trong vòng 24 giờ đầu vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Nằm ngủ trên đệm cứng, nếu nằm ngửa thì đặt một chiếc gối dưới đầu gối, nếu nằm nghiêng thì kẹp gối giữa hai chân. Tư thế này giúp giảm căng cơ và giảm đau ở vùng xương chậu và lưng.

  •  Trong một số trường hợp, nếu triệu chứng không được cải thiện, có thể tiêm steroid tại chỗ.  
- Nắn lại khớp nếu có trật khớp, sau khi nắn phải phải giữ không để chấn thương lần nữa. 
- Phẫu thuật điều chỉnh còn là vấn đề tranh cãi và chỉ áp dụng sớm nhất là 6 tháng sau chấn thương. 

Hoạt động

Khi hết đau có thể bắt đầu sinh hoạt nhẹ nhàng, tăng dần các hoạt động như đi và ngồi:
  • Không ngồi quá lâu một chỗ, tránh chạy nhảy hay đi xe máy, xe đạp gây dằn xóc.
  • Không ngồi trên sàn cứng.
  • Ngồi ngả về phía trước hoặc ngồi nghiêng một bên mông và thường xuyên đổi bên. 















  • Dùng gối cao su có khoét lỗ ở giữa để lót khi ngồi, lỗ ở giữa sẽ làm giảm áp lực lên xương cùng.

Gối cao su 
  • Khi xoay trở nên xoay cả người, không để vặn xoắn cột sống, tránh khom cúi làm cong cột sống
  • Chườm lạnh sau khi hoạt động nếu lại cảm thấy khó chịu.
  • Chú ý chế độ ăn để tránh táo bón vì khi táo bón người bệnh sẽ rất đau đớn. 
Đi khám bác sĩ nếu có các biểu hiện

  • Đột nhiên thấy tê hay đau nhói
  • Đau và phù nề gia tăng
  • Tình trạng đau không cải thiện như mong đợi
  • Yếu ở chân
Bác sỹ Nhi khoa 







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét