20/6/14

Làm gì khi bé kén ăn?

Ở tuổi tập đi và tuổi mẫu giáo, trẻ đã hiểu mình cần ăn những thứ mà cha mẹ đề nghị. Bé sẽ tỏ ra thích món này, không thích món khác, nhưng đừng bày biện cả đống thức ăn mỗi lần để thỏa mãn con trẻ.







Dưới đây là chia sẻ của thạc sĩ Samantha Thiessen, chuyên gia dinh dưỡng Canada, về những mẹo giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh:

Tuổi tập đi 

Ở trẻ mới tập đi, chuyện ăn uống thất thường bữa nhiều bữa ít là khá phổ biến. Chán ăn có thể là một phần cuộc sống của trẻ nhưng thường không đáng lo ngại nếu chỉ là tạm thời. Chẳng hạn nếu bé không thích ăn chuối thì có thể dùng các loại quả khác để thay thế. Cho bé làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau của từng nhóm. Ví dụ với ngũ cốc có thể thay đổi cơm cháo, các loại mì ống nhỏ hình thù xinh xắn, bánh mì nướng cắt lát nhỏ, bánh xèo, bánh bao…

Đổi bữa cho bé với bánh mì nướng cắt lát nhỏ.

Tuổi mẫu giáo  

Ở tuổi này, trẻ đã có ý niệm rõ ràng hơn về thích và không thích trong ăn uống, nhưng cha mẹ vẫn cần tiếp tục cho bé dùng các thức ăn đa dạng. Trong mỗi bữa ăn, hãy cho bé một món ưa thích nhưng vẫn kiên trì với các loại thực phẩm khác để giúp bé chấp nhận các món mới. Một số trẻ chỉ ăn một món ưa thích duy nhất và từ chối tất cả các món khác. Điều này khá phổ biến, thông thường trẻ sẽ chán đồ ăn yêu thích và chuyển sang món khác.

Mẹo khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ 
  • Làm gương: nếu bạn muốn con ăn những thức ăn bổ dưỡng, hãy cho con thấy bạn cũng đang làm như thế.
  • Ngồi cạnh và ăn cùng con. 


  • Hạn chế sự mất tập trung trong khi ăn: không để trẻ xem ti vi, chơi đồ điện tử hoặc đọc sách truyện khi ăn.
  • Hạn chế thời gian mỗi bữa ăn: cho trẻ đủ thời gian để ăn bằng cách quan sát các biểu hiện của bé, nhưng không nên chờ đợi quá lâu. Thông thường, mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài 30 phút.
  • Với đồ ăn mới, hãy để bé thử một vài miếng, nhưng tránh mặc cả hay dùng các biện pháp ép buộc.  
  • Kiên nhẫn và tiếp tục cho bé dùng những thực phẩm bổ dưỡng, kể cả nếu bé liên tục từ chối.  
  • Khi tới bữa, hãy để bé tự quyết định ăn hay không ăn, nhưng hết giờ thì dọn ngay đồ ăn đi. 
  • Khen ngợi và khuyến khích khi bé ngồi ăn nghiêm túc và chịu thử món mới.   
  • Đừng quá chú ý tới các nghi lễ khi ăn uống như cầm thìa đũa đúng cách, không để đồ ăn dây bẩn ra áo quần…

  • Cho bé tham gia chọn món ăn và chuẩn bị bữa ăn. Các nghiên cứu cho thấy trẻ tích cực tham gia vào việc này thường ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn. 
Nếu con bạn rất kén ăn hoặc nếu bạn lo lắng về thói quan ăn uống của bé thì hãy trao đổi với bác sĩ.  

Chế độ dinh dưỡng của trẻ trước tuổi đến trường 
  • Trẻ ở độ tuổi tập đi thường thích ăn những bữa nhỏ và ăn thường xuyên. Thông thường, các bé sẽ ăn bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, kèm thêm bữa ăn nhẹ buổi sáng và buổi chiều. Ở độ tuổi này, dạ dày của trẻ còn nhỏ và các bé không cần ăn nhiều thức ăn mới cảm thấy no. Vì vậy, điều quan trọng là cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng và để bé tự điều chỉnh lượng thức ăn mà cơ thể cần. Quy tắc này cũng áp dụng cho trẻ ở tuổi mẫu giáo, đặc biệt là khi các bé đang trải nghiệm nhiều loại thực phẩm hơn và phát triển thói quen ăn uống.
  • Khi trẻ đã quen với đồ ăn cứng hơn, cần chú ý cân bằng lượng thức ăn rắn với đồ uống và đề phòng nguy cơ trẻ bị nghẹn.
  • Trẻ em mọi lứa tuổi cần được cung cấp thực phẩm bổ dưỡng từ 4 nhóm thức ăn chính: rau-củ-quả, ngũ cốc, sữa và chế phẩm sửa, thịt và các thực phẩm thay thế.
  • Để khuyến khích bé hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, hãy tạo không khí thư giãn cho bữa ăn gia đình. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã có khả năng quan sát và học hỏi từ hành vi ăn uống của cha mẹ. Trẻ nhận biết được mối liên quan giữa bữa ăn và không khí gia đình đầm ấp, vui vẻ. Tránh ép con “vét sạch bát” và không cho trẻ ăn giữa bữa chính và các bữa phụ. Trẻ ăn liên tục hoặc bị ép ăn hết đồ ăn trong bữa chính không thể học cách nhận biết cơn đói. Những trẻ này có thể gặp khó khăn trong hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.   
Lê Mai (theo About Kids Health)

Bác sỹ Nhi khoa hiệu đính 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét