28/4/14

Dạy con nên người (7) - Giúp trẻ bỏ game và tin nhân quả

Đứa trẻ mê game, thấy thế giới ảo thật kỳ thú, nhưng thực ra trong đó đầy sự bắn giết. Thế giới ảo nhưng làm mất thì giờ thực, mất tương lai thật, mất cuộc đời thật. Game rất nguy hiểm, cần phân tích cho con biết để trẻ không tự chôn cuộc đời mình trong thế giới trò chơi game mà mất tất cả.








Giáo dục trẻ là điều rất quan trọng. Nhiều trẻ bản chất tốt nhưng vì cha mẹ dạy không đúng cách, thương yêu một cách sai lầm và chiều chuộng quá mức nên phá hỏng cuộc đời của con. Tình thương yêu phải đúng liều đúng lúc, nếu không đó chính là liều thuốc độc.

Có một bà mẹ đem ba đứa con lên xin học hè trên trại (* trại hè tổ chức tại chùa Phật Quang - Bà Rịa Vũng Tàu). Đứa thứ nhất bỏ về, bà mẹ quyết cố thủ ở lại cùng hai đứa kia. Theo lời bà ,hai đứa trẻ này từng cầm cây đập lên đầu bố, bố nói gì cãi nấy, bố sai đi mua cái gì là mua ăn luôn, không coi ai ra gì, mẹ đành bó tay. Mẹ dạy theo Đông phương, bố thì chiều theo Tây phương, và hai đứa con sắp vụt khỏi tầm tay của mình. Khi mẹ bắt lên trại học hè, hai đứa không chịu, chúng nói "con về nhà để chơi game, ở nhà con ngủ sướng hơn ở đây". Thằng bé phản đối mẹ bằng cách tuyệt thực không ăn. Bà mẹ rất cương quyết nói không ăn cứ nhịn, nhưng phải ở đây học không đi đâu. Cả tuần đầu trẻ không chịu lên lớp, cứ ngúng nguẩy đi chơi. Nhưng nhờ sự cương quyết của người mẹ, dần dần thấy các bạn học tốt, nền nếp kỷ luật, chúng cũng từng bước tham gia, chầm chậm. 

Thêm một tuần nữa, hai đứa bé biến thành người khác, bưng cơm bưng nước phục vụ mọi người, lễ độ ngoan ngoãn, rất kỷ luật. Mẹ rất ngạc nhiên. Thầy trả lời thực ra bản chất của hai đứa trẻ này là ngoan, chỉ vì bố chiều chuộng, thương sai cách, sắp xửa phá hỏng cuộc đời của chúng. May mà mẹ đem lên chùa kịp thời. Ở thêm 1 tháng nữa, hai đứa trẻ rất ngoan. Khi về hai cháu rất nuối tiếc, nhớ chùa nhớ bạn bè, và đã quen sống trong kỷ luật, nền nếp. 

Như vậy, rất nhiều cha mẹ thương con, chiều con đã giết cả cuộc đời con mình. Dậy con là trách nhiệm thiêng liêng của ta đối với dòng họ, với xã hội, với nhân loại. 

Muốn con ngoan, cha mẹ nên dạy trẻ tin nhân quả rất sớm. Từ khi con còn nhỏ đã kể những chuyện nhân quả cho con mình nghe, bằng các ví dụ hay các câu chuyện có thật, chẳng hạn: 

'Cách đây 10 năm gia đình của người kỹ sư ngày nay rất nghèo khổ, sau giờ học chú phải phụ gia đình đi bới bao ny lông ở thùng rác, nhưng gia đình đó sống nề nếp, không ăn cắp của hàng xóm, và nếu ai cần thì  họ lại giúp đỡ trước hết. Ngày hôm nay, quả báo đến, những người con của họ học thành tài, đỗ đạt. Đó là nhân quả công bằng'.

'Nhà bác bên kia giàu sang không coi ai ra gì, tự nghĩ mình là giai cấp trên, ngày hôm nay phải bỏ xóm bỏ làng đi vì nhục nhã do bể chứng khoán, đi nơi khác mua căn nhà nhỏ sống trong cảnh nghèo hèn trở lại, đó là nhân quả'.

Kể nhiều thì bé hiểu ra rằng cái gì có nhân thì có quả, và nó phải làm điều tốt để được quả báo lành về sau. Khi đó tự bé sẽ bước trên đời rất vững chắc, ta đỡ lo lắng rất nhiều. Cha mẹ muốn con ngoan phải đọc nhiều sách về nhân quả, thuộc rất nhiều chuyện về nhân quả để kể cho con nghe. Từng ngày như vậy, con sẽ rất thấm.

Cho bé chiêm ngưỡng nhiều tấm gương đạo đức, nhất là những danh nhân và vĩ nhân của Việt Nam và của thế giới, kể về cuộc sống của những người dành cả cuộc đời làm những điều có ích cho thế giới, cho đất nước họ, để bé thấy cảm động, ước mơ, nuôi dưỡng lý tưởng hoài bão rằng lớn lên bé cũng sẽ đóng góp cho đất nước, cho loài người như thế. Chỉ cần có lý tưởng là bé sẽ tự mình kiềm chế cuộc đời của mình. Việc kể những chuyện người tốt việc tốt là thức ăn tinh thần cực kỳ quan trọng. Khi ta thương con, đem cho con một món ngon, hãy kèm một câu chuyện người tốt việc tốt ở đâu đó. Ví dụ ở xóm bên cạnh có bác nhà nghèo nhưng luôn thấy đường hỏng ở đâu là đắp lại, thấy mảnh chai là bác lượm cho người ta đi, hay khi đi xe đạp thấy cục đá là dừng lại nhặt cục đá, dọn vào đường để người khác đi đừng vấp. Như vậy là nuôi lớn tâm hồn bé một cách lành mạnh.

Sai lầm lớn của bố mẹ là hay nói xấu thiên hạ, để cho bé nghe khi tuổi còn quá nhỏ. Ta nói xấu dòng họ, nói xấu bạn bè, nói xấu hàng xóm cho con mình nghe, nói với giọng khinh miệt, chê bai, chê họ như thứ bỏ đi là ta giết chết tâm hồn của con mình. Rất nhiều gia đình tan nát chỉ vì miệng của người cha người mẹ mà họ không hay biết. Cha mẹ cứ vui miệng, không chọn lọc chuyện kể cho con, cứ kể xấu người khác, sau này con mình xấu y như người khác vì nó xem đó là chuyện bình thường. 

Có những người xấu nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, nhưng ta đã bôi đen hết bằng những chuyện xấu lặt vặt. Hãy tập cho trẻ tin yêu cuộc đời, cho trẻ thấy rằng sống trên đời phải làm người tốt, đó là điều rất bình thường. Cứ nghe được câu chuyện nào tốt về người nào tốt, trên báo chí hay ở nơi làm việc, thì ta đem về thưởng cho con mình câu chuyện đó, như món ăn bồi dưỡng thêm chung với li sữa, miếng bánh mà ta cho con mình ăn trong đêm đông giá lạnh. Cha mẹ trước hết phải là một nhà thuyết giáo giỏi, học thuộc nhiều câu chuyện, lắng nghe nhiều điều tốt trong xã hội này để tưới vào tâm hồn của con mình. Đừng bơm bằng những liều thuốc độc, bằng chuyện xấu của người này người kia.


BSNK (trích từ bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét