28/4/14

Dạy con nên người (8)- Dửng dưng với phong trào đua đòi

Giữ phẩm giá bằng cách bất cần, không thèm muốn cái mình không có. Khi ta tập được cho trẻ bất cần như vậy bé sẽ tránh được rất nhiều lỗi lầm, con người ta phạm lỗi vì không chấp nhận được cuộc sống thanh bần. Rèn luyện tính cách này giúp bé dửng dưng với phong trào đua đòi của người khác. 












Người cán bộ không chấp nhận cuộc sống thanh bần thì bị kẻ xấu mua liền, trở thành kẻ tham nhũng hối lộ, làm điều xấu hại dân hại nước. Nếu người cán bộ đó từ nhỏ đã được cha mẹ dạy cho an vui với cuộc sống thanh bần, mình có bao nhiêu sống bấy nhiêu, không bao giờ khởi thèm muốn hơn cái mình có. Bởi vì biết phước mình chỉ có vậy, điều quan trọng là trong cảnh nghèo mà vẫn sống tốt, cái đó mới quý, quý gấp ngàn lần người giàu mà tốt. Người giàu mà tốt là bình thường, người nghèo mà vẫn sống tốt được là đáng quý. 

Ví dụ nhà ta nghèo, con ta không đủ áo quần đẹp, thiếu ăn nên thấy món gì cũng thèm, thấy chiếc xe đạp cũng thích, thấy người mặc bộ đồ đẹp cũng ham. Ta phải hiểu tâm lý của con, xem hoàn cảnh của gia đình như cơ hội để dạy con, hãy nói rằng: Con hãy sống can đảm và sống đúng trong cái nghèo, đừng để cái nghèo làm mất đi phẩm giá của mình. Khi con bí mật thèm khát cái mà người khác có nhưng con không có là con đang làm mất phẩm giá của mình. Con hãy sống thanh thản, chấp nhận thanh bần của gia đình mình. Điều con cần là đạo đức, học giỏi, để lớn lên con phụng sự, chứ không phải có được sự hưởng thụ như những đứa bạn giàu có, hãy bất cần. Hãy tập sống như vậy.

Người giàu không có cơ hội dạy con sống vui trong cảnh nghèo vì ta không nỡ để con mình ăn thiếu mặc rách, cứ phải chiều nên đứa bé không bao giờ được luyện trong môi trường thiếu thốn mà giữ tâm bình thản, bất cần. Nếu lỡ giàu thì dạy con biết san sẻ. Cho con vừa đủ phần, ta nói: 'Phần này con đủ ăn nhưng nếu có bạn thiếu thì con hãy san sẻ'. Và khi con san sẻ bé phải chấp nhận bị mất chứ mình không bù cho nó, để cho con làm phước bằng phần của bé, bé phải thiệt thòi, mất mát hao tốn mới là hành vi bố thí, mới giúp người khác được, không được bù cho phần con làm phước, như vậy bé mới có phước và có bản lĩnh.

Dửng dưng với phong trào đua đòi của người khác

Tập cho con bản lĩnh dửng dưng với các phong trào náo nhiệt, không bắt chước mọi người. Chẳng hạn trong thời trang, dạy con đừng chạy theo mốt 'trên hở vai, dưới hở bụng' thường thấy ở các quảng cáo trên tivi. Hay về vấn đề điện thoại, con nói bạn con đứa nào cũng có điện thoại, mình nói: "Ngày xưa bố không có điện thoại, ông không có điện thoại, và những anh hùng bảo vệ đất nước này không có điện thoại, họ đã sống oai hùng, lập nên những chiến công vang dội. Ông nội đã trở thành người cha tuyệt vời của bố, bây giờ bố cũng đang hy sinh cuộc đời bố cho con, cũng chẳng có điện thoại di động. Con hãy sống thanh thản, đừng đua đòi cái gì ngoài tầm tay mà chưa cần thiết, hãy tập vượt ra ngoài phong trào đua đòi đó".

Tập được cho con như vậy là giúp con có bản lĩnh vững vàng giữa thế giới đầy cám dỗ và đen tối này. 

Đứa trẻ ngoan là người biết sai hay đúng để lựa chọn. Cha mẹ hãy sống mẫu mực và nhắc con điều sai điều đúng: "Thế này là đúng nghe con, thế kia là sai nghe con", " Khi người lớn đến con phải chào, nói phải thưa phải trình", "Đây là của người ta, dù một ly một tấc cũng không lấy nghe con. Dù con nghèo con đói, hãy đi xin, người ta cho thì nhận, người ta không cho thì thà nằm đó mà chết, dứt khoát không ăn cắp"... Đến ngày đứa trẻ sẽ tự biết điều gì sai điều gì đúng và bắt đầu trở thành đứa trẻ ngoan.

BSNK (trích từ bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét