18/11/11

Những tranh cãi xung quanh Anolit và bài học đạo đức của BS Osler

William Osler, vị thầy thuốc lừng danh người Canada, vốn được coi là "cha đẻ của ngành y tế hiện đại" đã dạy các học trò của mình: "Hãy chữa trị người bệnh, đừng điều trị căn bệnh". Câu nói giản dị đó ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo Osler, thầy thuốc cần "quan tâm đến bản thân người bệnh nhiều hơn là các đặc tính của bệnh". 



Quay trở lại những bất đồng ý kiến giữa một số chuyên gia y tế và TS vật lý Nguyễn Văn Khải, "ông già Ozone", người khuyến cáo phương pháp dùng dung dịch Anolit chăm sóc các tổn thương trên da và trong khoang miệng cho bệnh nhi bị bệnh tay chân  miệng.

TS Khải tuyên bố có thể chữa khỏi bệnh tay chân miệng và sẵn sàng giúp tỉnh Ninh Thuận giập dịch. Ông Khải đã trực tiếp xuống Bệnh viện Đa khoa của tỉnh để hướng dẫn các gia đình chăm sóc bệnh nhi bị bệnh chân tay miệng. Theo đánh giá của Bác sĩ Trần Phúc, Giám đốc bệnh viện, các triệu chứng ngoài da của các cháu dùng phương pháp điều trị này đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, theo ông Phúc "bệnh tay chân miệng không phải chỉ điều trị các triệu chứng ngoài da là khỏi hẳn, bởi các vết lở loét  và nổi mẩn chỉ là một trong nhiều triệu chứng của bệnh".

Về lý thuyết, những điều BS Phúc nói là hoàn toàn đúng. Biểu hiện ngoài da chỉ là một phần của căn bệnh, chữa khỏi tổn thương da chưa đồng nghĩa với chữa khỏi bệnh. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ nên khoanh tay ngồi nhìn các tổn thương này, chờ cho chúng tự khỏi.

Và cũng về lý thuyết, khó có thể nói Analit chữa khỏi bệnh chân tay miệng. Nhưng thực tế cho thấy tình trạng sức khỏe  nói chung và tổn thương ngoài da nói riêng của nhiều cháu bé tại Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận đã được cải thiện sau vài ngày sử dụng Anolyte.  Cha mẹ các cháu cũng nhất trí với đánh giá này. Như vậy không thể phủ nhận những lợi ích trước mắt mà Anolit đem lại. Nó giúp cải thiện chất lượng sống của cả người bệnh và gia đình. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để người ta khó có thể thờ ơ với Anolit!

Hãy cùng nhau nhìn về một phía

Trong khoa học, để tìm ra chân lý, tranh luận là điều tất yếu. Nhưng khi mà mỗi ngày biết bao con trẻ vẫn phải đau đớn nơi giường bệnh, biết bao ông bố bà mẹ nơm nớp lo lắng cho mạng sống của con mình, xin khoan hãy nói chuyện ai đúng ai sai. Xin hãy cùng nhau nhìn về một phía, phía người bệnh.

Đành rằng bất cứ phương pháp điều trị mới nào trên con người cũng cần được kiểm nghiệm cẩn thận cả về hiệu quả lẫn độ an toàn. Nhưng nếu quả thực Anolit có thể làm được điều mà phác đồ điều trị của Bộ Y tế đến nay chưa làm được, là đẩy nhanh quá trình lành vết thương ở da niêm mạc và cải thiện tình trạng sức khỏe nói chung của bệnh nhi, thì chuyện người dân mong nuốn sớm có được những kết luận khoa học về vấn đề này từ phía ngành y tế là chuyện thật dễ hiểu. 

Câu hỏi về tính an toàn của phương pháp ứng dụng Anolit trong điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu Anolit thực sự hiệu quả và an toàn, nó có thể làm nên những điều kỳ diệu. Trái lại, nếu Anolit có thể gây nguy hiểm cho trẻ thì biện pháp này cần được nghiêm cấm. Người dân cần những thông tin khoa học, chính xác để biết cách hành xử thích hợp. Dù muốn hay không, trên thực tế vẫn có rất nhiều gia đình làm theo phương pháp của TS Khải. Đơn giản vì họ thấy con mình khá hơn. Người làm cha mẹ khó có thể đành lòng ngồi yên nhìn con đau đớn và chờ bệnh …tự khỏi. Việc sớm đưa ra những kết luận mang tính khoa học sẽ có ích rất nhiều cho các bệnh nhi. 

Đặc điểm chung của các căn bệnh do virus gây ra

Về nguyên tắc, đa số các bệnh do virus gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khác với vi khuẩn, virus quá tinh ranh. Chúng ẩn nấp trong tế bào và dựa vào tế bào để tăng trưởng, sinh sản. Khi giết chết tế bào này, virus sẽ tìm tế bào khác để trú ngụ. Những phương thuốc vừa có thể tiêu diệt virus mà không gây hại cho tế bào lành của cơ thể vẫn là ước vọng lớn của nhân loại.

Con người vẫn bất lực trước virus và phải trông chờ vào khả năng "tác chiến" của hệ miễn dịch. Thông thường, cơ thể cần một thời gian nhất định để tạo kháng thể, giúp đẩy lui bệnh tật. Trong khi chờ đợi, chỉ có thể tiến hành điều trị hỗ trợ:

·         Điều trị triệu chứng
·         Nâng cao thể lực
·         Phòng ngừa biến chứng
·         Trường hợp nặng có thể dùng các thuốc không đặc hiệu để tăng cường hệ miễn dịch.
·         Phòng bệnh lây lan.

Trong đa số trường hợp, bệnh tay chân miệng không nguy hiểm nhiều hơn các bệnh nhiễm virus khác, chẳng hạn  như cảm cúm. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của các tổn thương (vết loét ở miệng, nốt phỏng trên da…), cộng với ảnh hưởng trực tiếp của nó tới việc đảm bảo dinh dưỡng của trẻ, cha mẹ cảm thấy "bức xúc" với căn bệnh này hơn so với khi con hắt hơi sổ mũi. 

Lỗ hổng trong khuyến cáo chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng 

Trong Phác đồ chẩn đoán và điều trị của mình, Bộ Y tế khuyến cáo bệnh nhân thể nhẹ duy trì dinh dưỡng, dùng thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tái khám định kỳ. Trường hợp nặng, chỉ định truyền Immonoglobulin, điều trị biến chứng. Phác đồ này không đề cập cụ thể tới các biện pháp chăm sóc da và niêm mạc miệng, nơi có các tổn thương điển hình.

Cũng theo phác đồ trên, trẻ bị bệnh tay chân miệng có thể có các biểu hiện lâm sàng như:
·         Loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú).
·         Phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông).

Tổn thương da và niêm mạc ở bệnh nhân bị bệnh Tay Chân Miệng

Trong đa số trường hợp, bệnh không đủ nặng để gây tử vong nhưng bệnh nhi vì mệt mỏi, đau đớn, ăn uống kém, thể trạng giảm sút nên sẽ chậm bình phục. Nếu không cải thiện được tình trạng đau đớn ở miệng, ngứa ngáy trên da thì khó có thể duy trì dinh dưỡng, nâng cao thể lực cho trẻ. Đó là chưa kể tới việc các vết chợt loét ở niêm mạc miệng và trên da là nguồn lây lan bệnh quan trọng.  

Các biện pháp tích cực của TS Khải đã lấp đầy khoảng trống này. Việc ngâm rửa các vết phỏng, cho trẻ  tắm và súc miệng bằng dung dịch Anolit cũng như các biện pháp hỗ trợ khác đã giúp các tổn thương ở miệng và niêm mạc mau lành, trẻ sớm ăn uống trở lại và sức khỏe chóng bình phục, hạn chế nguy cơ bội nhiễm và lây lan bệnh. Việc tăng cường vệ sinh cá nhân và chăn ga gối đệm ở những nơi đông đúc như bệnh phòng cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ lây lan bệnh. Như vậy là một mũi tên bắn ra đạt được 4 đích (điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực, phòng ngừa biến chứng và phòng bệnh lây lan).

Ngay cả trong trường hợp trẻ nhiễm các chủng virus ác tính, gây biến chứng nặng, việc cải thiện tình trạng da niêm mạc cũng rất cần thiết, góp phần nâng cao thể trạng, giúp trẻ chống chọi tốt hơn với bệnh.

Khi trẻ hết khó chịu, ăn uống và sinh hoạt bình thường trở lại, cha mẹ có thể nghĩ rằng con mình đã khỏi bệnh, nhưng không phải như vậy. Virus vẫn phải đi hết con đường của mình. Cơ thể vẫn cần đủ thời gian để quét sạch những vị khách không mời mà đến. Tuy nhiên, lúc này  bệnh tật không còn gây nhiều phiền nhiễu cho trẻ và cha mẹ nữa.

Tất nhiên, những bàn luận trên chỉ có ý nghĩa nếu Anolit thực sự an toàn đối với trẻ em.

Những hiệu quả nhãn tiền mà Anolit mang lại đã khiến nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại áp dụng một phương pháp chưa được kiểm định trên trẻ em. Chưa ai biết nguy cơ gì ẩn nấp sau phương pháp này. Sẽ còn nhiều nhiều trẻ tiếp tục bị bệnh và chắc chắn người dân rất mong sớm có được lời giải đáp từ phía các chuyên gia y tế.

Bác sỹ Nhi khoa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét