11/9/14

Thalassemia - Bệnh di truyền ảnh hưởng tới giống nòi (phần 1)

Thalassemia là nhóm các bệnh thiếu máu di truyền, xảy ra do đột biến gen quy định việc sản xuất hemoglobin - thành phần chính trong hồng cầu, đảm nhiệm việc vận chuyển oxy trong cơ thể. Sản xuất hemoblobin ở tủy xương bị rối loạn, hồng cầu sinh ra dễ tan và tan sớm, gây thiếu máu. Thể nặng của bệnh có thể gây biến chứng gan lách to, chậm lớn, thậm chí là tử vong sớm. Bệnh di truyền qua nhiều thế hệ nên ảnh hưởng xấu tới giống nòi. 






Hai nhóm triệu chứng chính của Thalassemia là thiếu máu do tan máu và ứ đọng sắt. Hồng cầu bị vỡ khiến thành phần sắt trong hemoglobin tích tụ ngày càng nhiều trong cơ thể. Và vì phải truyền máu để điều trị thiếu máu nên ứ đọng sắt tiếp tục gia tăng. Sắt có thể đọng lại ở tim, gan, thận, các tuyến nội tiết và gây tổn thương cho những cơ quan này.

Trên lâm sàng, trẻ có biểu hiện thiếu máu, vàng da, gan lách to, có thể xơ gan, suy gan. Trẻ nhỏ có thể bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, trẻ lớn chậm dậy thì.

Lách to (phần đánh dấu chéo)
 ở một trẻ 5 tuổi bị Thalassemia.
 

Các triệu chứng nhiễm sắt bao gồm da màu đồng, gan to, tim to, có thể có suy tim. Hệ xương bị ảnh hưởng nặng nề, với biến dạng xương mặt (đầu to, gò má cao, trán dô, bướu đỉnh, mũi tẹt, răng cửa hàm trên vẩu), loãng xương ở các xương dài khiến xương giòn, dễ gãy.

Khuôn mặt điển hình của trẻ bị Thalassemia:
 mũi tẹt, răng cửa hàm trên vẩu. 

Ảnh hưởng tới giống nòi 

Thalassemia là một trong những rối loạn di truyền phổ biến nhất trên thế giới, hay gặp nhất là dạng α thalassemia và β thalassemia. Khoảng 5% dân số mang gen α thalassemia, 1,5% mang gen β thalassemia, và 1% các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh hoặc mang gen bệnh.

β thalassemia hay gặp nhất ở các nước thuộc Địa Trung Hải (do đó còn được gọi là thiếu máu Địa Trung Hải), Trung Đông, Đông Nam Á. Tỷ lệ mang gen β thalassemia ở người Cyprus gốc Hy Lạp là 1:7, người Thổ Nhĩ Kỳ là 1:12 và người châu Á là 1:20, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1:1.000 ở người Bắc Âu. Trong khi đó, α thalassemia gặp nhiều ở Ấn Độ, châu Phi và Đông Nam Á.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh thalassemia cao (chủ yếu là α thalassemia và β thalassemia). Số liệu thống kê cho thấy có khoảng hơn 5 triệu người mang gen bệnh. Ước tính, mỗi năm có thêm 2.000 trẻ sinh ra mang gen bệnh.

Thalassemia xuất hiện ở mọi vùng miền và tất cả các dân tộc của Việt Nam. Tỷ lệ người mang gen bệnh khác nhau theo từng địa phương, từng nhóm dân tộc và đặc biệt cao ở các dân tộc ít người: Mường (25%), Thái (16,6%), Nùng, Sán Dìu (14,3%), Pako (8,33%). Hiện nay, hiện tượng giao thoa giữa các dân tộc và sự dịch chuyển địa lý khiến gen bệnh lan rộng khắp cả nước. Các thành phố lớn đã xuất hiện rất nhiều người mang gen bệnh. Nếu không có các biện pháp đối phó kịp thời, sự lan truyền nguồn gen bệnh và gia tăng tỷ lệ mắc bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến giống nòi. 

Một số quốc gia, trong đó có Thái Lan, đã triển khai thành công Chương trình quốc gia phòng bệnh Thalassemia. Việc tập trung phát hiện những phụ nữ có thai mang gen bệnh và tích cực thực hiện sàng lọc, tư vấn trước sinh đã giúp giảm đáng kể số trẻ mắc mới thalassemia tại các nước này.

Cơ chế di truyền 

Tìm hiểu cơ chế di truyền của Thalassemia giúp chúng ta hiểu rõ hơn các biểu hiện của bệnh và chủ động đề ra các biện pháp dự phòng. 

Hemoglobin (Hb) - thành phần quan trọng của hồng cầu - được tạo thành từ nhân hem (chứa sắt) và các chuỗi globin, đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp. Hồng cầu người bình thường có các loại hemoglobin sau: 
  • Hb A    β2) - 98%
  • Hb A2  2 δ2) - 2%
  • Hb F    2 γ2) - vết
Để có thể hoạt động bình thường, Hb A cần 2 chuỗi alpha protein và 2 chuỗi beta protein  β2)Đột biến ảnh hưởng tới chuỗi α sẽ gây bệnh α thalassemia, và đột biến ảnh hưởng tới chuỗi β sẽ gây bệnh β thalassemia.




Bệnh thalassemia được di truyền theo kiểu gen lặn, trên nhiễm sắc thể (NST) thường. Biến đổi gen phải được truyền từ cả bố và mẹ mới gây nên bệnh ở con.

Người bình thường có: 
  • 4 gen α nằm trên NST 16 (mỗi người có 2 NST 16, trên mỗi NST có 2 gen α)
  • 2 gen β nằm trên NST 11 (mỗi người có 2 NST 11, trên mỗi NST có 1 gen β).
Trong các cặp NST này,
1 NST nhận từ bố và 1 nhận từ mẹ. 

1. Beta thalassemia

Đây là dạng thalassemia phổ biến nhất, gây ra bởi đột biến gen chịu trách nhiệm sản xuất beta globin của hemoglobin. Sản xuất chuỗi β chịu sự điều khiển của 2 gen β globin, nằm trên 2 NST số 11. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc số lượng gen bị đột biến. 
  • Người bình thường: 2 gen đều bình thường, cơ thể tổng hợp β globin bình thường. 

  • Người lành mang gen bệnh (β thalassemia thể nhẹ): 1 gen bị đột biến (nhận từ bố hoặc mẹ), làm giảm nhẹ sản xuất β globin. Xét nghiệm máu thấy hồng cầu hơi nhỏ và nhợt nhạt hơn bình thường. Người mang gen không có biểu hiện lâm sàng, không cần điều trị hay theo dõi về mặt y tế. Họ có cuộc sống không khác gì người bình thường, ngoại trừ cần tư vấn phòng ngừa việc truyền bệnh cho con. 



    • Bệnh β thalassemia thể vừa hoặc nặng: 2 gen đột biến, nhận từ bố và mẹ. Người bệnh có thiếu máu vừa hoặc nặng, cần điều trị hay theo dõi về mặt y tế. 
    Bệnh β thalassemia di truyền thế nào? 



    2. Bệnh hemoglobin E 

    HbE là một trong những biến dị phổ biến nhất của hemoglobin, đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Bệnh xuất hiện khi có đột biến trên gen β globin, làm thay đổi cấu trúc của 1 axit amin trong chuỗi β. 
    • Người bình thường: cả 2 gen đều bình thường. Cơ thể tổng hợp β globin bình thường. 
    • Người lành mang gen bệnh HbE: có 1 gen đột biến HbE. Không có biểu hiện lâm sàng và không cần điều trị hay theo dõi y tế. 
    • Bệnh HbE thể nhẹ: Trẻ nhận 2 gen đột biến HbE, một từ bố và một từ mẹ. Có tình trạng thiếu máu nhẹ nhưng thường không cần điều trị.
    • Bệnh HbE/β thalassemia: Trẻ nhận một gen đột biến HbE từ bố (hoặc mẹ) và một gen đột biến β từ mẹ (hoặc bố). Biểu hiện lâm sàng tương tự β thalassemia thể vừa, đôi khi cũng có biểu hiện nghiêm trọng.

    3. Alpha thalassemia

    Sản xuất chuỗi alpha (α) chịu sự điều khiển của 4 gen α globin, nằm trên 2 NST số 16. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc số lượng gen bị đột biến.

    • Người bình thường: 4 gen đều bình thường, cơ thể tổng hợp α globin bình thường.
    4 gen đều bình thường. 

    •  Người lành mang gen bệnh (α thalassemia thể ẩn):1 gen bị đột biến, làm giảm nhẹ sản xuất α globin. Người mang gen không có biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm máu không có gì đặc biệt, chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm AND. Người mang gen có thể truyền gen bệnh cho con.
    1 gen đột biến (màu đỏ).

    • Bệnh α thalassemia thể nhẹ: 2 gen đột biến. 
    Phân biệt 2 trường hợp: 

    - Mỗi gen nằm trên một NST (gọi là dạng trans). Người ở thể này sức khỏe bình thường, có hiện tượng hồng cầu nhỏ, thiếu máu nhẹ, phát hiện được bằng các xét nghiệm máu thông thường.  

    2 gen đột biến nằm trên 2 NST khác biệt.

    - Cả 2 gen đột biến cùng nằm trên 1 NST, NST còn lại chứa 2 gen bình thường (gọi là dạng cis). Xét nghiệm thấy thiếu máu nhẹ, không có biểu hiện lâm sàng. Khi cả hai cha mẹ đều mang gen bệnh dạng này, nguy cơ sinh con bị α thalassemia thể nặng trong mỗi lần sinh là ¼. 
    2 gen đột biến nằm trên cùng 1 NST.
    • Bệnh Hemoglobin H: 3 gen đột biến. Hồng cầu sẽ tổng hợp loại protein bất thường tên là hemoglobin H thay cho hemoglobin thường. Bệnh nhân có các biểu hiện thiếu máu mức độ trung bình đến nặng.


    • Bệnh α thalassemia thể nặng: 4 gen đột biến, gây tình trạng phù thai, làm thai chết lưu hoặc chết ngay sau sinh. Bệnh còn được gọi là hội chứng hemoglobin Bart, theo tên của hemoglobin Bart bất thường được tổng hợp, thay cho hemoglobin bình thường. 

    Như vậy, các trường hợp α thalassemia nhẹ xảy ra khi có 1- 2 gen đột biến, trong khi thể nặng xuất hiện khi có 3-4 gen đột biến - lúc này hồng cầu không thể tổng hợp hemoglobin bình thường. 



    Bác sỹ Nhi khoa 


    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét