5/9/14

Giải tỏa xáo trộn tâm lý cho trẻ có người thân bệnh nặng

Khi một đứa trẻ trong gia đình đổ bệnh, mọi sự chú ý đổ dồn vào đó. Nếu con phải nằm viện lâu hay điều trị gấp rút, cha mẹ sẽ chẳng còn mấy thời gian hay tâm trí cho anh chị em của bé ở nhà. Đừng quên rằng những đứa con này cũng rất cần sự quan tâm của bạn. Giúp trẻ giải tỏa những xáo trộn tâm lý khi người thân ốm nặng là trách nhiệm mới mẻ với nhiều bậc phụ huynh.    




Cảm giác lạc lõng, bị bỏ rơi

Khi trong gia đình có trẻ ốm nặng, các anh chị em còn lại thường cảm thấy hẫng hụt vì không được quan tâm. Để những đứa trẻ này thấy mình vẫn có ích và là thành viên không thể thiếu của gia đình, cha mẹ cần: 
  • Nhờ con giúp việc nhà và hỗ trợ trong bệnh viện: Điều này không có nghĩa bạn sẽ yêu cầu con làm thay mọi việc của bố mẹ. Nhiệm vụ được giao phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, là những công việc thường nhật trong gia đình.
  • Khi trẻ không được phép vào bệnh viện: Hãy gợi ý để con vẽ tranh hoặc làm thiệp cho anh/chị/em bị ốm. Nhắc con chọn một vài vật dụng cá nhân của người ốm, chẳng hạn một cuốn truyện hay một con thú bông, để gửi vào bệnh viện.
  • Trả lời các câu hỏi của con: Dù cha mẹ có cố công che giấu sự thật, sớm hay muộn trẻ cũng nhận ra chuyện bất thường và đặt nhiều câu hỏi. Lảng tránh không trả lời chỉ khiến con càng cảm thấy bị bỏ rơi. Bé muốn mọi người coi trọng câu hỏi của mình. Hãy chọn thông tin phù hợp với lứa tuổi, trả lời cụ thể, thấu đáo nhưng không cần giải thích nhiều hơn những gì con hỏi.
  • Xem trọng mối quan hệ giữa các con với nhau: Khi gia đình buồn phiền vì mất đi một người con, anh chị em của chúng phần nào cảm thấy bất công. Dường như chỉ nỗi buồn của bố mẹ là đáng kể, trong khi tình cảm sâu nặng mà chúng dành cho người đã mất không được nhìn nhận đúng mức. Để khắc phục, cha mẹ nên dặn các con giữ lại một vài kỷ vật mà chúng yêu thích về người đã đi xa.

Mặc cảm tội lỗi

Cảm giác bị bỏ rơi ươm mầm cho sự ghen tị. Một số trẻ thậm chí còn mong anh chị hoặc em mình chết cho rồi. Nhưng nếu sức khỏe của người bệnh không cải thiện hoặc xấu đi, đứa trẻ lại cảm thấy có lỗi và nhận về mình trách nhiệm gây ra chuyện này. 

Trẻ từ 3-6 tuổi đặc biệt nhạy cảm. Được các chuyên gia tâm lý mệnh danh là người ‘huyễn tưởng’, trẻ ở độ tuổi này tin rằng ý nghĩ của mình có thể mang lại điều tốt hay điều xấu cho người khác. Trẻ 'huyễn tưởng' từng ghen tị hoặc ước ao về cái chết của anh chị hoặc em mình có thể bị dằn vặt nếu sức khỏe người bệnh không cải thiện. Với bé, bệnh tật của người thân có thể là sự trừng phạt cho một lỗi lầm do mình mắc phải. Bé có thể nghĩ ‘Hôm qua mình lấy trộm đồ chơi của anh nên hôm nay anh ốm nặng hơn. Lỗi tại mình’. 

Để loại bỏ sự ghen tị và mặc cảm tội lỗi, cha mẹ cần giúp trẻ cảm thấy mình là người cần thiết, được yêu thương, khiến trẻ yên lòng rằng những cảm xúc này là hoàn toàn bình thường. Cha mẹ cần nói rõ với các con, đặc biệt là trẻ ‘huyễn tưởng’, rằng chúng hoàn toàn không có lỗi với bệnh tình của người thân. 

Muốn mọi thứ trở lại bình thường
Phần lớn trẻ chỉ muốn mọi chuyện sớm trở lại bình thường. Cha mẹ cần cố gắng duy trì một thời gian biểu ổn định về giờ học, giờ ăn, giờ ngủ… cho con. Đừng ngại nhờ người thân hay bạn bè giúp đỡ.
Khi nhất định phải đưa trẻ ra khỏi vùng an toàn, chẳng hạn để tới thăm anh chị hoặc em bị ốm nặng ở bệnh viện, bạn nên tạo điều kiện để con rời khỏi phòng bệnh khi muốn. Cũng tương tự như vậy, tại đám tang của người thân, trẻ cần được đưa ra ngoài ngay khi chúng yêu cầu.
Cha mẹ có thể cảm thấy tổn thương khi con muốn rời giường bệnh hay lễ tang của anh chị hay em mình, nhưng đây là một phản ứng bình thường, không hàm ý sự vô cảm của trẻ. Khác với người lớn, trẻ em không đủ khả năng ngay lập tức thẩm thấu những đau đớn đến dồn dập. Chúng chưa hiểu các quy tắc ứng xử mà kinh nghiệm cuộc đời mang lại. Khi đối mặt với hiện thực, trẻ muốn quay trở lại nhịp sống bình thường.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra khi cha mẹ muốn nói chuyện nghiêm túc với con. Chẳng hạn, sau khi nghe bố mẹ giải thích căn bệnh mà anh chị hay em mình mắc phải, trẻ có thể đòi quay lại trò chơi đang bỏ dở. Điều này không có nghĩa con bỏ ngoài tai những lời của bạn. Hãy tôn trọng yêu cầu của trẻ và tham gia trò chơi nếu con yêu cầu. 

Hành vi điển hình của trẻ có anh chị em ốm nặng
Những xáo trộn về cảm xúc trong thời gian người thân ốm nặng có thể khiến bé cảm thấy vô cùng bất an. Cha mẹ nên coi các hành vi dưới đây là biểu hiện trẻ gặp khó khăn lớn về tâm lý và cần được quan tâm thích đáng. Hãy trao đổi với giáo viên về hoàn cảnh của con để thầy cô kịp thời phát hiện và hiểu thấu dấu hiệu bất an của trẻ.  

Ở mọi lứa tuổi:
  • Trẻ ở lứa tuổi nào cũng có thể tái diễn những hành vi trước đây, ví dụ: đái dầm, mút tay hoặc đòi ngủ cùng bố mẹ.
6-9 tuổi
  • Gặp ác mộng
  • Trò chơi bạo lực
  • Hung hăng
  • Đóng vai trẻ ốm hoặc người đã mất trong gia đình
  • Bối rối về ngôi thứ hiện tại của mình, chẳng hạn “ Giờ mình là anh cả hay vẫn là anh hai?”
9-12 tuổi
  • Học kém hoặc gây rối ở trường
  • Thái độ hung hăng
  • Trốn tránh các hoạt động thường ngày
  • Tăng hoặc giảm cân đột ngột, rối loạn hành vi ăn uống
  • Nghĩ đến việc tự tử.
Tuổi thiếu niên
  • Giận dữ
  • Dằn vặt
  • Tăng hoặc giảm cân và rối loạn hành vi ăn uống
  • Lạm dụng chất kích thích
  • Chống đối cha mẹ, cố tách mình khỏi gia đình trong khi cha mẹ tìm cách gần gũi.
  • Nghĩ đến việc tự tử.


Lê Mai (theo About Kids Health)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét