14/5/11

Táo bón ở trẻ dưới một tuổi (phần 2)

CHỨNG KHÓ ĐI NGOÀI Ở TRẺ NHỎ

Ở độ tuổi 0-6 tháng, bé có thể mắc chứng khó đi ngoài. Bé kêu khóc nhăn nhó một lúc lâu (20-30 phút), mặt đỏ bừng rồi mới đi ngoài ra phân mềm, không có máu. Nỗi kinh hoàng này có thể xuất hiện vài lần mỗi ngày, khiến trẻ mệt mỏi và bố mẹ hoang mang lo lắng.
Điều khác biệt chủ yếu giữa trẻ thường xuyên táo bón và trẻ mắc chứng khó đi ngoài là phân của trẻ mắc chứng khó đi ngoài vẫn mềm. Thăm khám thấy bé vẫn khoẻ mạnh, vui vẻ, phát triển bình thường, tăng cân đều, ngủ tốt, không chớ nhiều.

Bạn đừng quá lo lắng, không có gì nguy hiểm đâu. Bé đang "khổ công" học cách vận hành cơ thể, học cách đẩy phân ra ngoài một cách hiệu quả đấy. Muốn vậy, bé phải biết cùng lúc vừa tăng áp lực trong ổ bụng vừa giãn cơ vùng đáy chậu. Điều này không dễ dàng tí nào và bé cần tập luyện. Khi khóc, bé đang cố gắng làm tăng áp lực trong ổ bụng, ép phân xuống để tống ra ngoài. 

Nếu bác sĩ chẩn đoán là bé mắc chứng khó đi ngoài, cách tốt nhất là chờ đợi. Chứng bệnh này thường kéo dài 1-2 tuần, đôi khi có thể dài hơn, và sẽ tự qua đi. Nghiên cứu của Mỹ công bố năm 2002 cho thấy những cố gắng điều trị bằng viên đạn hoặc kích thích trực tràng bằng cặp nhiệt độ không giúp giảm hiện tượng này. 

Hãy cho bé thời gian. Một khi đã thiết lập được thói quen, bé sẽ không rên rỉ nữa. Nếu điều này vẫn làm bạn băn khoăn, hãy cho bé ngồi vào chậu nước ấm, hay giữ bé ở tư thế các bà mẹ hay xi con cho chân ép vào bụng, hoặc cho bé "ngồi xổm" trên cánh tay bạn để bé dễ đi ngoài hơn. 

TÁO BÓN Ở TRẺ BÚ MẸ HOÀN TOÀN



Sữa mẹ chứa chất nhuận tràng tự nhiên khiến trẻ ít khi bị táo bón. Thông thường, trẻ bú mẹ hoàn và bú đủ no (đủ sữa cuối cữ) phải đi ngoài hàng ngày, hoặc ít ra là hai ngày một lần. Tuy nhiên, việc đi ngoài không thường xuyên không nhất thiết là dấu hiệu của táo bón. Hai khả năng có thể xảy ra:

- Thứ nhất, bé không phải là đứa trẻ đi ngoài hàng ngày. Có thể bé thuộc loại đi ngoài 2 -3 ngày một lần, tính chất phân mới là yếu tố quyết định. 

- Thứ hai, có thể bé đói do chưa bú đủ lượng sữa cuối cữ. Trường hợp này, bạn đừng buồn, không phải sữa của bạn kém chất lượng đâu. Bé đói là do kỹ thuật, tư thế và thời gian cho con bú của bạn chưa được hoàn hảo thôi. 

Thông thường, nếu bé đi tè đều đặn, bạn có thể yên tâm là bé được cung cấp đủ nước. Tuy nhiên điều này chỉ nói lên rằng bé đã bú đủ lượng sữa đầu cữ (loại sữa trong, nghèo chất béo và năng lượng, tiết ra ngay đầu cữ bú). Bạn không thể biết bé có nhận đủ sữa cuối cữ (loại sữa đặc hơn, nhiều chất béo và năng lượng hơn, được tiết ra vài phút sau khi bé bắt đầu bú) hay không. 

Sự mất cân bằng sữa đầu cữ và sữa cuối cữ có thể khiến trẻ đi ngoài không thường xuyên, bị chứng đau bụng, đi ngoài khó khăn, phân xanh, nhiều nước và nổi bọt. Bé tăng cân chậm (sự tăng cân đều đặn là dấu hiệu cho thấy bé đã bú đủ). Chỉnh sửa kỹ thuật cho con bú sẽ giúp cải thiện tình hình. Hãy cho bé bú mẹ đủ dài để được nhận đủ lượng sữa giàu chất dinh dưỡng, điều này giúp bé phát triển bình thường. 

Khi bé được 6 tháng và bắt đầu ăn dặm, thói quen vệ sinh có thể có những thay đổi. Bạn không nên lo lắng quá. Hãy kiên nhẫn và cho bé uống thật nhiều nước. Cơ thể bé sẽ tự biết sắp xếp và đưa mọi thứ trở về trật tự.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét