20/9/14

Sơ cứu và phòng ngừa chấn thương mắt ở trẻ em

Dụi mắt có thể khiến chấn thương mắt trầm trọng hơn. 
Chấn thương mắt cần được xử lý nghiêm ngặt vì vết thương hở từ các vật đâm xuyên mắt có thể nhanh chóng dẫn tới nhiễm trùng đe dọa thị lực. Bỏng hóa chất cũng rất dễ khiến trẻ bị mù. Sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong kết quả điều trị, gia tăng cơ hội bảo tồn thị lực. 
   







Dấu hiệu nhận biết 

Những vật thể nhỏ hay các loại dịch có thể lọt vào mắt, khiến bé cảm thấy khó chịu hoặc đau nhức. Cha mẹ nhận thấy mắt con bị đỏ hoặc bé phải nhắm nghiền mắt, không mở ra được. Tuy nhiên, không phải khi nào các bé cũng chịu khai báo với bố mẹ về sự cố ở mắt. Hãy nghĩ tới chấn thương mắt khi bé có các biểu hiện:
Cấu trúc giải phẫu mắt. 
  • Bồn chồn, bất ổn. 
  • Kêu đau bên trong hay xung quanh mắt
  • Nước mắt chảy giàn giụa
  • Dùng tay che một bên hoặc hai bên mắt
  • Khó cử động mắt
  • Một mắt trông khác với mắt bên kia
  • Thị lực đột nhiên giảm
  • Rách da ở mi mắt hoặc xung quanh mắt
  • Nhìn thấy máu bên trong mắt
  • Vết bầm dập trên mắt hoặc quanh mắt
  • Nhắm ngắt quãng một bên mắt
  • Không chịu được ánh sáng chói


Nếu nghi ngờ bé bị chấn thương mắt, bạn nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt hay đưa bé tới phòng khám cấp cứu gần nhất, kể cả nếu tổn thương lúc đầu trông không nghiêm trọng. Một số chấn thương mắt mức độ nặng có thể không thể hiện rõ ràng ngay từ đầu, việc xử lý chậm có thể khiến tổn thương trở nên tồi tệ hơn, gây mất thị lực vĩnh viễn.

Phân loại chấn thương 

Sau đây là một số loại chấn thương mắt thường gặp ở trẻ em: 
  • Dị vật trong mắt: bụi, cát, vụn gỗ, côn trùng ... chui vào mắt 
  • Xước giác mạc: do móng tay, vật nhọn, cành cây cào 
  • Vết thương đụng dập: bóng đập vào mắt, bị đấm hay huých khuỷu tay vào mắt
  • Vết thương đâm xuyên hay chảy máu: do dụng cụ nhọn như kéo, bút chì... đâm vào
  • Bỏng hóa chất: các hóa chất gia dụng bắn vào mắt.

Xử trí 

1. Nguyên tắc chung    
  • Các chấn thương nhỏ và nông thường không cần điều trị và vết thương sẽ lành sau 48 giờ. Không cho trẻ sờ mó hoặc dụi mắt, không băng ép mắt vì điều này có thể khiến tổn thương trở nên trầm trọng hơn. Nếu sau 48 giờ tình hình không cải thiện thì cần đi khám bác sĩ.
  • Trường hợp vết thương đâm xuyên, không được tìm cách loại bỏ vật nhọn mắc kẹt trong mắt
  • Không bôi thuốc mỡ hay các thuốc khác vào mắt. Những thuốc này có thể không vô trùng và khiến mắt trở nên trơn trượt, gây khó khăn cho việc thăm khám của bác sĩ.
  • Đưa trẻ đi khám bác sĩ mắt ngay nếu có bất kỳ lo ngại nào.    

2. Dị vật trong mắt   
  • Không được dụi mắt, không dùng giấy hoặc bông để lấy dị vật vì như vậy có thể khiến mắt bị nhiễm trùng, đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc gây xước kết mạc, giác mạc.
  • Chớp mắt vài lần và để nước mắt đẩy dị vật ra ngoài.
  • Nếu làm như vậy chưa kết quả, bạn có thể giúp trẻ kéo mí mắt trên che trùm lên mí mắt dưới, để hàng mi dưới gạt sạch bụi bẩn ở mặt trong của mí trên.
  • Đặt bé nằm ngửa và trấn an bé. Dùng các ngón tay banh rộng mắt của bé, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hay các loại thuốc có tác dụng rửa mắt. Bạn cũng có thể nhẹ nhàng rửa mắt bị tổn thương của con bằng nước sạch đổ từ bình hay chai lọ, nước từ vòi chảy chậm hay ngâm mắt trẻ trong nước sạch. Tránh phun nước thẳng vào mặt khiến bé sợ hãi.  
  • Nếu bụi vẫn không ra, hãy yêu cầu trẻ nhắm mắt hoặc băng nhẹ cả hai bên để hạn chế cử động mắt, giảm thiểu chấn thương, rồi đưa trẻ đi khám bác sĩ. 
3. Xước giác mạc, kết mạc   
  • Trầy xước giác mạc, kết mạc là chấn thương phổ biến, thường do vết xước từ móng tay, cây cỏ hay đồ chơi gây ra. Xước nông ở giác mạc thường nhanh chóng tự lành. Tuy nhiên, vết xước sâu hơn có thể đi kèm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu trẻ nhạy cảm với ánh sáng, mắt bị đỏ hoặc nhìn mờ thì cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay.

4. Vết thương đụng dập  
  • Chấn thương do bóng đập vào mắt hay do bị đấm, bị hích khuỷu tay vào mắt có thể gây gây phù nề, bầm tím ở mắt hay mi mắt. Va đập dù nhẹ cũng có thể gây tổn thương đáng kể ở mắt. 
  • Chườm lạnh ngay cho vùng mắt bị chấn thương để giảm đau và giảm phù nề, tuyệt đối không ấn mạnh lên vùng tổn thương. Không ép trực tiếp đá lạnh lên mắt vì điều này khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn. Có thể dùng túi chườm lạnh hoặc đá bọc trong khăn và chườm 15-20 phút, nhắc lại sau mỗi 1-2 giờ. Sau 48 giờ thì xen kẽ chườm lạnh và chườm nóng. 


Chườm lạnh vùng mắt bị bầm dập giúp giảm phù nề.
Ảnh: WebMD. 


  • Nếu mắt vẫn đau hay xuất hiện nhìn mờ, kể cả sau một cú đụng dập nhẹ, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay để loại trừ chấn thương bên trong mắt.
5. Vết thương đâm xuyên hay chảy máu 
  • Không dụi mắt.
  • Không rửa mắt bằng nước hoặc các dung dịch khác.
  • Không tìm cách loại bỏ vật mắc kẹt trong mắt.
  • Đặt trẻ nằm ngửa và trấn an trẻ. 
  • Lót những miếng đệm bông xung quanh mắt bị tổn thương. Đặt một chiếc cốc giấy hay cốc nhựa lên phía trên mắt, tựa trên các tấm đệm bông. Dùng băng y tế hoặc khăn sạch quấn nhẹ quanh đầu, trùm lên trên cốc. Tuyệt đối không băng ép, không đè mạnh lên cốc vì như vậy có thể gây chấn thương mắt trầm trọng.

Dùng cốc giấy úp lên mắt bị chấn thương để bảo vệ mắt.
Ảnh: howstuffworks


  • Không cho trẻ uống hay ăn bất kỳ thứ gì, đề phòng trường hợp cần gây mê để xử trí vết thương.
  • Tránh dùng các thuốc giảm đau như aspirin hay ibuprofen vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Hơn nữa, chứng đau liên quan tới chấn thương mắt loại này thường rất dữ dội, không thể làm dịu bằng thuốc giảm đau thông thường. Đừng trì hoãn đưa bé đi bệnh viện bằng cách chờ thuốc giảm đau phát huy tác dụng. Hãy đưa trẻ tới phòng khám mắt ngay. 

6. Vết thương do bỏng hóa chất

  • Hóa chất vô tình bắn vào mắt có thể khiến mắt đỏ, đau, bỏng rát. 
  • Cần ngay lập tức rửa mắt bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất.
  • Với trẻ nhỏ, đặt bé nằm ngửa và trấn an bé. Dùng các ngón tay banh rộng mắt, rửa mắt liên tục trong vòng ít nhất 15 -20 phút bằng nước từ cốc, bình hay vòi nước chảy chậm. Nhắc bé đảo mắt liên tục để tăng hiệu quả rửa mắt. 
  • Trường hợp trẻ lớn bị chấn thương một mắt, yêu cầu trẻ ngồi cúi đầu vào chậu hay bồn rửa, đầu nghiêng một bên sao cho mắt bị chấn thương nằm thấp hơn mắt lành. Dùng nước sạch rửa mắt bị chấn thương.   
  • Trường hợp cả hai mắt bị tổn thương, yêu cầu trẻ ngửa đầu ra sau, dùng nước sạch rửa cả hai mắt, đổ nước từ sống mũi xuống hai mắt. 
  • Nếu có vòi sen, có thể để nước ấm chảy nhẹ nhàng lên vùng trán hay ngay phía trên mắt bị chấn thương, dùng các ngón tay banh rộng mắt. 
  • Không dụi mắt, không băng bó mắt hay sử dụng cốc che mắt. 
  • Gọi điện đến trung tâm chống độc xin tư vấn.
  • Đưa bé đi khám cấp cứu, mang theo chai lọ chứa hóa chất.


Khi nào cần đi khám bác sĩ ngay 
  • Đau mắt dữ dội hoặc đau dai dẳng
  • Không thể lấy dị vật ra khỏi mắt
  • Thị lực giảm 
  • Cháy máu bên trong mắt
  • Đau mắt khi ra ngoài ánh sáng chói
  • Vết rách sâu quanh mắt

Nói chung, trong những trường hợp nặng, cha mẹ không nên can thiệp nhiều mà nên đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế. Khi không biết rõ nguyên nhân gây chấn thương và băn khoăn về cách xử trí, tốt nhất nên đắp một miếng gạc vô trùng hay tấm khăn sạch lên vùng mắt bị chấn thương và đưa bé đi khám ngay. 

Phòng ngừa chấn thương mắt

Đa số các chấn thương mắt có thể được phòng ngừa nếu tuân thủ các nguyên tắc an toàn: 
  • Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
  • Tránh các đồ chơi có vật nhọn như trò bắn cung tên, ném phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm như súng bắn đạn giả. 
  • Theo dõi sát khi trẻ chơi các trò chơi hay đồ chơi có thể gây nguy hiểm.
  • Hướng dẫn trẻ học cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo…
  • Dùng cửa chắn an toàn ở chân cầu thang hay nơi tiếp giáp cầu thang của mỗi tầng, tránh để trẻ ngã cầu thang gây chấn thương mắt.
  • Che chắn các góc nhọn của bàn, tủ.
  • Khóa chặt mọi ngăn kéo và cửa tủ mà trẻ có thể với tới.
  • Giữ các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm với của trẻ nhỏ.
  • Trong số các trẻ dưới 4 tuổi bị chó cắn, có tới 15% trường hợp bị chấn thương ở mắt. Các con chó này thường quen thân với đứa trẻ, nếu bé bị cùng một con chó cắn lần thứ hai thì chấng thương thường trầm trọng hơn lần thứ nhất. Vì vậy, sau khi trong gia đình có trẻ bị chó cắn, cần chuyển ngay chó đi nơi khác. 

Bác sỹ Nhi khoa 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét