17/8/14

Phòng ngừa dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ khi mang thai và sau sinh

Nếu bạn và gia đình không có tiền sử dị ứng thì việc tránh ăn lạc trong thời gian mang thai hay trì hoãn dùng sữa bò cho con tới sau 1 tuổi không làm giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ. Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn kiêng của mẹ và việc trì hoãn một số thực phẩm có tính dị ứng cao của con không làm thay đổi nguy cơ phát triển dị ứng thức ăn ở phần lớn trẻ em.






Tuy nhiên, nếu con bạn thuộc nhóm ‘nguy cơ cao’ - tức là có ít nhất một người trong bố mẹ hay anh chị bị bệnh dị ứng - thì việc tuân thủ những hướng dẫn của Hội Nhi khoa Mỹ (AAP)  có thể giúp làm giảm nguy cơ hoặc trì hoãn sự phát triển của dị ứng cơ địa. 

Có cần tránh thực phẩm gây dị ứng khi mang thai ?

Một đánh giá hệ thống của Mỹ dựa trên 4 nghiên cứu gần đây đã không tìm thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn của mẹ trong thời gian mang thai và bệnh chàm dị ứng sau này ở con của họ. Nghiên cứu này cùng những nghiên cứu khác đã khiến Hội Nhi khoa Mỹ (AAP) thay đổi hướng dẫn cho phụ nữ mang thai và cho con bú vào năm 2008. 

Theo khuyến cáo mới, khi mang bầu, kể cả khi đứa trẻ tương lai thuộc nhóm 'nguy cơ cao', người mẹ cũng không cần kiêng các thực phẩm có tính dị ứng như sữa bò, trứng, cá, tôm, cua, lạc, hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ... như trong khuyến cáo trước đó. AAP cho rằng việc dùng các thực phẩm này không làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn sau này của trẻ. 

Tuy nhiên, nếu người mẹ dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì vẫn phải tránh dùng món ăn này cả khi có thai cũng như tại những thời điểm khác. 

Trẻ có nguy cơ dị ứng cao nên bú mẹ hay dùng sữa công thức ?

Sữa mẹ có tác dụng bảo vệ đối với trẻ 'nguy cơ cao' và có thể trì hoãn sự phát triển dị ứng. AAP đã tiến hành tổng kết 18 nghiên cứu so sánh việc sử dụng sữa mẹ và sữa công thức ở nhóm trẻ có 'nguy cơ cao'. Kết quả cho thấy trẻ bú mẹ ít nhất 4 tháng có nguy cơ dị ứng thấp hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa bò hay sữa đậu nành trong thời gian này. Việc bổ sung các loại sữa ít gây dị ứng như sữa chứa protein thủy phân (Nutramigen, Alimentum…) cũng có thể làm giảm nguy cơ dị ứng, tuy không nhiều bằng sữa mẹ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy: 

  • Nếu bé thuộc nhóm 'nguy cơ cao' nhưng chưa có biểu hiện bệnh dị ứng cơ địa (hen, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn, chàm) thì việc mẹ kiêng thực phẩm gây dị ứng trong thời gian cho con bú cũng không giúp phòng ngừa dị ứng ở trẻ. 
  • Nhưng nếu bé đã được chẩn đoán mắc bệnh chàm cơ địa thì việc tránh các thực phẩm gây dị ứng trong thời gian cho con bú có thể giúp giảm số đợt chàm cấp tính. 

Trẻ 'nguy cơ cao' có cần trì hoãn dùng sữa bò, trứng, lạc? 

Trong khuyến cáo năm 2002, AAP khuyên nên trì hoãn thời điểm bắt đầu cho trẻ thuộc nhóm 'nguy cơ cao' dùng các thực phẩm gây dị ứng: chỉ dùng sữa bò từ sau 1 tuổi, trứng từ sau 2 tuổi và cá từ sau 3 tuổi. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy việc trì hoãn không làm giảm giảm tỷ lệ dị ứng, kể cả với các thực phẩm có tính dị ứng cao như lạc. Vì vậy, nếu bé không mắc bệnh dị ứng cơ địa thì không cần trì hoãn các thực phẩm nói trên. 

AAP và Viện hàn lâm Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ đều khuyên cho trẻ thuộc nhóm 'nguy cơ cao' ăn dặm khi 6 tháng tuổi, bắt đầu bằng rau, hoa quả và hạt ngũ cốc. Mỗi lần chỉ thử một sản phẩm với số lượng ít.

Việc sử dụng xà phòng, nước gội đầu, nước tắm cho trẻ 'nguy cơ cao' cũng cần được cân nhắc giống như khi dùng một 'thức ăn' mới. Một nghiên cứu cho thấy dùng dung dịch chăm sóc da (body lotion) chứa dầu lạc làm tăng nguy cơ dị ứng lạc sau này.  


Bác sỹ Nhi khoa 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét