Bé Thỏ đã 2 tuổi nhưng mới chỉ nói được vài từ. Mẹ Thỏ nhận thấy con chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Mẹ cũng nhớ rõ bằng tuổi này chị Bông đã nói được cả câu dài. Chia sẻ lo lắng với bạn bè, mẹ Thỏ nhận được câu trả lời “ Xu xu nhà tớ cũng nói chậm, bây giờ thì như súng liên thanh. Chờ bé lớn thêm chút nữa rồi mọi chuyện sẽ ổn”.
“Nhưng nhỡ Thỏ sẽ không được như Xu xu? Mình cảm thấy tội lỗi nếu cứ chờ và một ngày nào đó lại phát hiện ra rằng lẽ ra phải hành động sớm hơn. Chờ đợi thật là nặng nề, nhất là khi mình lo lắng và chỉ muốn điều tốt nhất cho con. Mình phải làm gì bây giờ, chờ đợi thêm hay đưa con đi khám?” - Mẹ Thỏ bộc bạch.
Rất nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc đánh giá liệu tình trạng chậm nói của con chỉ là tạm thời và có thể chờ đợi thêm, hay đó là tình trạng bệnh lý thực sự, cần tới sự can thiệp của các chuyên gia. Nắm bắt các dấu hiệu báo động tình trạng chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ giúp cha mẹ đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Các khái niệm cơ bản
Rất nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc đánh giá liệu tình trạng chậm nói của con chỉ là tạm thời và có thể chờ đợi thêm, hay đó là tình trạng bệnh lý thực sự, cần tới sự can thiệp của các chuyên gia. Nắm bắt các dấu hiệu báo động tình trạng chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ giúp cha mẹ đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Các khái niệm cơ bản
- Rối loạn lời nói và ngôn ngữ là sự phát triển bất thường của ngôn ngữ. Đây là dạng chậm phát triển phổ biến nhất, gặp nhiều hơn so với các dạng chậm phát triển khác (thị lực, vận động, nhận thức, kỹ năng xã hội và cảm xúc).
- Lời nói là phương tiện giao tiếp bằng lời, thể hiện bằng âm thanh. Ba thành phần chính của lời nói là phát âm, giọng nói và sự lưu loát. Rối loạn lời nói xuất hiện khi trẻ phát âm nhưng người khác không hiểu, chẳng hạn trẻ bị tật nói lắp, nói ngọng ngịu.
- Ngôn ngữ là phương tiện để thể hiện và tiếp nhận thông tin thông qua lời nói hoặc cử chỉ (ngôn ngữ tín hiệu, ngôn ngữ cơ thể). Ngôn ngữ là thước đo trí thông minh, vì vậy rối loạn phát triển ngôn ngữ nghiêm trọng hơn rối loạn lời nói.
- Chậm phát triển ngôn ngữ là khi ngôn ngữ của trẻ phát triển theo đúng trình tự, nhưng tốc độ chậm hơn.
Các dấu hiệu cảnh báo chậm phát triển ngôn ngữ
Khoảng 1/5 trẻ em nói hoặc sử dụng từ ngữ chậm hơn so với các bạn cùng lứa. Một số bé thậm chí còn có biểu hiện rối loạn hành vi do nổi cáu vì không có khả năng thể hiện điều mình muốn nói. Chậm nói đơn thuần đôi khi chỉ mang tính tạm thời và có thể mất đi nhờ sự trợ giúp của gia đình. Cha mẹ cần động viên trẻ “nói” bằng cử chỉ hoặc âm thanh, dành nhiều thời gian chơi với con, đọc sách và nói chuyện với bé. Trong một số trường hợp, trẻ có thể cần thêm sự trợ giúp của các chuyên gia. Đôi khi, chậm nói lại có thể là dấu hiệu báo động cho những rắc rối nghiêm trọng hơn, như mất thính lực, chậm phát triển trong các lĩnh vực khác hoặc thậm chí là bệnh tự kỷ. Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ cũng có thể là biểu hiện của bệnh khó học, thường chỉ được chẩn đoán khi trẻ đi học.
Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo về tình trạng chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ.
3-4 tháng
- Không đáp ứng với tiếng động mạnh.
- Không phát ra âm thanh gừ gừ.
- Bắt đầu gừ gừ nhưng không biết bắt chước các âm thanh (khi 4 tháng).
7 tháng
- Không đáp ứng với tiếng động.
12 tháng
Không tìm cách giao tiếp với người khác (bằng cách sử dụng âm thanh, cử chỉ hay lời nói), kể cả khi cần giúp đỡ hay muốn điều gì đó.
Không tìm cách giao tiếp với người khác (bằng cách sử dụng âm thanh, cử chỉ hay lời nói), kể cả khi cần giúp đỡ hay muốn điều gì đó.
- Không biết nói một từ nào, chẳng hạn “mẹ” hay “bà”.
- Không bi bô, phát ra các phụ âm (ví dụ p hoặc b).
- Không biết làm các động tác như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay.
- Không phản ứng khi được gọi tên.
- Không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, "chào bé" và “bai bai ”.
- Không quan tâm tới thế giới xung quanh.
- Không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, “dậy nào”.
- Không nói được từ nào.
- Không chỉ vào đồ vật hay bức tranh khi được hỏi, ví dụ “Quả bóng đâu?”.
- Không chỉ vào vật mình thích, như thể muốn nói “Mẹ nhìn đây!”, và ngước nhìn bạn.
- Không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể (ví dụ đầu, mắt, mũi) khi được yêu cầu.
- Chưa thể nói được 6 từ.
- Không thể giao tiếp bằng bất cứ cách nào, kể cả khi cần giúp đỡ, không biết chỉ vào thứ mình muốn.
- Chưa nói được các từ đơn giản như "mẹ", "bế".
- Không hiểu các mệnh lệnh đơn giản, ví dụ "Đừng sờ vào!".
- Không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi "Cái gì đây?", "Dép bé đâu?".
19-23 tháng
- Vốn từ tăng chậm (không đạt một từ mới mỗi tuần).
24 tháng
- Chưa nói nổi 15 từ
- Không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác.
- Không thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản, với các câu gồm 2 từ ví dụ “Mẹ bế”, “Uống nữa” (hoặc nói còn vấp váp).
- Không dùng lời nói để giao tiếp, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.
- Không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài hơn (ví dụ “Lấy giầy của con đi”, “Con muốn uống không?”, “Bố đâu rồi?”)
- Không biết chơi giả vờ với búp bê hay tự chơi với chính mình (ví dụ cho búp bê ăn, nói một mình, tự chải đầu làm đẹp).
- Không biết bắt chước hành động hay lời nói của người khác.
- Khi xem sách, bé không thể chỉ vào một bức tranh mà bạn gọi tên.
- Không thể nối hai từ với nhau.
- Không biết công dụng của những đồ vật thông dụng trong nhà (ví dụ như bàn chải đánh răng hay bát đĩa).
25 - 35 tháng
- Không nói được câu đơn giản có 2-4 từ.
- Không thể gọi tên vài bộ phận của cơ thể.
- Không thể nhớ những thứ được lắp đi lắp lại nhiều lần, chẳng hạn một bài thơ ngắn.
- Không biết đặt các câu hỏi đơn giản.
- Không ai trong gia đình có thể hiểu bé.
3 tuổi
- Không sử dụng đại từ nhân xưng nào (con, mẹ).
- Không thể ghép các từ thành câu ngắn (ví dụ “Mẹ giúp con”,” Muốn uống nữa”)
- Không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn (ví dụ “Lấy giầy của con và đặt lên giá”, “Trưa nay con muốn ăn gì?”.
- Lời nói rất không rõ ràng, khiến người trong gia đình và người ngoài đều không hiểu.
- Vẫn thường xuyên lắp bắp (rất khó phát ra âm thanh hay từ ngữ), khi nói vẻ mặt bé nhăn nhó.
- Không đặt câu hỏi.
- Ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện.
- Không quan tâm và không tương tác với các trẻ khác.
- Đặc biệt khó tách khỏi bố mẹ.
4 tuổi
- Chưa thể phát âm thành thục phần lớn các phụ âm.
- Chưa hiểu khái niệm “giống nhau” và “khác nhau”.
- Không sử dụng đại từ “con” và “mẹ” đúng cách.
Nếu trẻ có các biểu hiện nêu trên, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là kiểm tra khả năng nghe của con. Kể cả nếu bé có vẻ vẫn nghe tốt cũng không nên chủ quan vì trẻ em rất giỏi đoán biết dựa vào hình ảnh và cử chỉ. Khiếm khuyết về nghe cần được phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.
Cha mẹ không nên chờ đợi và hy vọng con sẽ tự vượt qua khiếm khuyết. Cần đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu bạn có nghi ngờ về sự phát triển ngôn ngữ của con. Báo với bác sĩ nếu thấy bé mất đi các kỹ năng đã học trước đó. Trẻ không đáp ứng với âm thanh hoặc không phát ra âm thanh cần được đặc biệt chú ý. Bất thường ngôn ngữ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của trẻ, mang lại cho bé những cơ hội tốt đẹp hơn trong cuộc đời.
Bác sỹ Nhi khoa
Phần 1: Các dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
Phần 2: Đánh giá nhanh nguy cơ chậm nói của trẻ
Phần 3: Chậm phát triển ngôn ngữ - nguyên nhân và cách khắc phục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét