21/12/14

Hàn gắn vết thương vô hình cho trẻ bị bạo hành - Trẻ dưới 6 tuổi (Phần 2)

Ở độ tuổi này, có thể rất khó nhận ra điều khiến trẻ lo lắng. Kể cả khi đã biết nói, các bé cũng không dễ diễn đạt điều bất ổn.











- Hiểu hành vi của trẻ

Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo hành có thể:
  • Khóc nhiều hơn bình thường.
  • Khó dỗ dành.
  • Thay đổi thói quen ăn uống.
  • Thay đổi thói quen ngủ (khó đi vào giấc ngủ, thức giấc vài lần trong đêm).
  • Khóc thét hay có cơn hoảng loạn trong giấc ngủ.
  • Lặng lẽ hơn hoặc ít phản ứng hơn bình thường.
  • Dễ hoảng hốt, sợ hãi.
  • Khó tách khỏi bố mẹ hay người trông trẻ. 
  • Hay nổi cơn giận giữ.
  • Thường gặp ác mộng. 
  • Kêu đau đầu hay đau bụng.
  • Thường xuyên cấu véo, đánh hay xô đẩy bạn cùng chơi.  
  • Trở lại những thói quen đã bỏ (ví dụ bé 5 tuổi có thể đái dầm, mút tay trở lại hay bắt đầu nói như bé 2 hay 3 tuổi).
Điều quan trọng không phải là đếm xem bé có bao nhiêu triệu chứng kể trên, mà là tìm kiếm những thay đổi trong hành vi của con, xem bé có hành xử khác trước không. Nếu bé còn quá nhỏ và không thể nói cho bạn biết có chuyện gì bất ổn, hãy cố gắng hiểu cảm xúc của con thông qua các hành vi, chẳng hạn nếu bé cứ bám lấy bạn, có thể bé đang sợ phải ở một mình hay lo rằng chuyện xấu có thể xảy ra.

Đôi khi cũng rất khó nói thế nào là bình thường và thế nào là bất thường. Vi dụ, các bé mẫu giáo vẫn thường cấu véo, đánh và xô đẩy nhau. Nhưng nếu bé làm điều này ngày một thường xuyên hơn, tới mức giáo viên phải phàn nàn cao độ hoặc bé không thể kết bạn thì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn. 




Sau đây là những điều bạn có thể làm để giúp bé thể hiện cảm xúc, lấy lại cảm giác an toàn. 

- Động viên bé thể hiện suy nghĩ và cảm xúc 
  • Tạo cho bé cảm giác yên ổn dễ chịu với chiếc chăn nhỏ, chiếc núm vú giả hay đồ chơi bé yêu thích. 
  • Đặt câu hỏi giúp bé bày tỏ cảm xúc, ví dụ ”Cún đang sợ à. Để mẹ ôm Cún nhé”, “Trông Cún rất buồn. Mẹ có thể làm gì cho Cún đỡ buồn ?”.
  • Gợi ý để bé vẽ tranh thể hiện cảm xúc của mình cũng như những điều bé biết. Hỏi xem con vẽ gì trong tranh và vì sao con chọn màu sắc như vậy.
- Giúp bé cảm thấy an toàn và kiểm soát cảm xúc
  • An ủi bé bằng cách ôm ấp, vỗ về, hát cho bé nghe.
  • Tuân theo mệnh lệnh của bé (ví dụ nếu bé đòi bế thì hãy bế bé lên).
  • Để bé được thể hiện nỗi sợ, hỗ trợ bé bằng cách ở gần con và tỏ ra bình tĩnh.
  • Nói với bé rằng chuyện xảy ra không phải lỗi của con.
  • Cố gắng không để bé xem các màn bạo lực trên tivi, không nhắc tới các câu chuyện bạo lực đăng trên báo và tạp chí, không chơi các trò chơi bạo lực.
  • Không để bé một mình với người bạn không biết thật rõ.
  • Không cần giải thích với bé mọi điều một cách kỹ lưỡng như với người lớn. Trả lời các câu hỏi của con một cách sơ lược, không quá chi tiết. Ví dụ với bé 4 tuổi, chỉ cần nói “ Đôi khi người lớn làm những điều xấu và chuyện ấy rất đáng sợ”.
  • Báo trước cho bé bất cứ sự thay đổi nào, chẳng hạn nếu có khách đến nhà, hãy nói cho bé biết bạn và khách dự định sẽ làm gì.
  • Hãy để bé tự đưa ra quyết định trong việc chọn quần áo để mặc, chọn sách để đọc và chọn đồ chơi để chơi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét