4/8/18

Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp một

Bước vào lớp một là dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Để sự chuyển tiếp diễn ra trơn chu, các bé cần được chuẩn bị tốt cả về thể chất và tinh thần. Việc chuẩn bị không thể chờ tới sát ngày bé vào lớp một mới thực hiện, các kỹ năng cần thiết phải được xây dựng và củng cố trong suốt những năm đầu đời. Chẳng hạn dạy bé biết tự phục vụ bản thân, biết giờ nào việc nấy chính là đang giúp con phát triển các kỹ năng kỷ luật, kỹ năng sống hòa nhập với tập thể, giúp trẻ sẵn sàng vào học lớp một.





Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Bích Hà, Phòng khám Câu thông xanh, trả lời phỏng vấn phóng viên đài VOV

PV: Thưa bác sĩ, về thể chất, cân nặng kém so với độ tuổi sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc đi học của trẻ?

ThS. Phạm Bích Hà: Trẻ nhẹ cân một chút so với cân nặng chuẩn nhưng không ốm đau gì, vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ, nghịch ngợm thì không ảnh hưởng đến việc đi học.

PV: Vậy nên hiểu rằng trước tiên trẻ cần được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe thể chất, và cũng cần tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm đau khi đi học?

ThS. Phạm Bích Hà: Đúng vậy, gia đình cần giúp trẻ ăn đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Giấc ngủ của trẻ cũng cần được quan tâm đặc biệt. Mỗi bé cần ngủ đủ giấc (10-12 tiếng mỗi ngày) để có thể dậy sớm đi học đúng giờ và học tốt trong ngày hôm sau.

PV: Còn về tinh thần, nên làm gì để trẻ sẵn sàng và hào hứng với việc đi học?

ThS. Phạm Bích Hà: Trên thực tế rất nhiều bà mẹ phải đánh vật với con khi chuẩn bị cho bé đến lớp vào buổi sáng. Để trẻ sẵn sàng hào hứng với việc đi học, cha mẹ cần chú ý những điểm sau:
- Giúp bé tạo dựng thói quen đi học hàng ngày từ những năm học mẫu giáo. Bé  vui vẻ mỗi ngày khi đến lớp mẫu giáo sẽ vui vẻ bước vào lớp một.
Để giúp bé phấn khích đi học lớp một mà không sợ hãi, cha mẹ có thể giới thiệu trước để bé hiểu rằng vào lớp một con sẽ được học chữ, học viết rất vui. Hãy luôn nói về lớp một với một niềm vui và sự phấn khích chân thành. Cho bé tham gia tự chuẩn bị đồ dùng cho việc đi học lớp một (cặp sách, hộp bút, vở…) cũng làm tăng sự hào hứng của trẻ.
Không lấy việc đi học lớp một để dọa nạt trẻ. Các câu nói như:“Nếu con không chịu tập đọc tập viết, sau này đến lớp một không biết đọc, không biết viết thì cô giáo sẽ phạt đấy!” sẽ khiến trẻ sợ hãi, không dám đi học, không yêu trường học.
Rèn cho trẻ thói quen thích nghe truyện rồi dần thích tự đọc truyện. Các kỹ năng này giúp ích rất nhiều cho sự phát triển nhận thức, trí tuệ, ngôn ngữ của trẻ và giúp bé cảm thấy hứng thú với việc học khi vào lớp một.

PV: Ở tiểu học, trẻ sẽ phải tự chăm sóc bản thân. Khi chưa có đủ kỹ năng này hẳn là trẻ sẽ khủng hoảng vì không thích nghi được với môi trường mới?

ThS. Phạm Bích Hà: Đúng như vây, nếu không được chuẩn bị kỹ các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, các con có thể bị khủng hoảng tinh thần vì không theo kịp các yêu cầu của lớp một. Có thể có các chấn thương về mặt tâm lý: trẻ hoảng sợ, lo lắng, không thể tập trung học, thu mình, nhút nhát hoặc có hành vi chống đối, rất nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ. Cha mẹ cần giúp con rèn luyện kỹ năng tự chăm sóc bản thân (tự để đồ đạc, giầy dép đúng chỗ quy định, tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, rửa tay, mặc quần áo, cất đồ chơi sau khi chơi xong… ) ngay từ khi trẻ còn đang học mẫu giáo và trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà. Khi đi học mẫu giáo, các cô cũng đã rèn cho trẻ những kỹ năng này, nhưng nếu về nhà cha mẹ không củng cố điều cô đã dạy, để con tự do muốn làm gì thì làm, hoặc cha mẹ luôn làm hộ con những việc tự phục vụ bản thân thì bé sẽ ỷ lại, khó hòa nhập hay theo kịp các bạn ở lớp một. 

PV: Nhiều mẹ đưa con đến trường, con khóc, mẹ cũng khóc nhưng phải quyết tâm gạt nước mắt đẩy con vào lớp. Mẹ nên xử lý tình huống này thế nào để trẻ không bị sốc tâm lý?

ThS. Phạm Bích Hà: Thường khi đưa trẻ đến lớp, trẻ có hơi lo lắng sợ phải ở một mình và bám mẹ một chút nhưng nếu được chuẩn bị tốt về tinh thần, và cô giáo đón trẻ vui vẻ, lo lắng của trẻ sẽ qua rất nhanh và trẻ sẽ vào lớp học vui vẻ cùng các bạn. Vấn đề ở đây không phải là xử lý tình huống này thế nào mà là không để cho tình huống này xảy ra. Nếu cha mẹ rèn cho con có sức khỏe (ăn ngủ đủ), có niềm vui phấn khích khi đi học, có khả năng tự phục vụ bản thân thì sẽ không bao giờ có tình huống mẹ khóc con khóc khi đến trường và mẹ phải đẩy con vào lớp. Nếu tình huống này xảy ra, trẻ sẽ ở trong lớp với tâm trạng lo lắng, sợ hãi, thậm chí có thể oán trách bố mẹ đã để con ở lớp mà con không thích. Tình trạng lo lắng, ức chế này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển các khả năng cảm xúc, nhận thức và giao tiếp của trẻ.

PV: Tôi thấy trẻ mới vào lớp một rất khó ngồi yên trong lớp hay ngồi yên làm bài tập về nhà. Vậy làm thế nào để rèn thói quen tập trung cho trẻ?

ThS. Phạm Bích Hà: Với các trẻ phát triển bình thường, khi đến lớp với tâm trạng thoải mái không lo lắng sợ hãi, bé sẽ tập trung trong giờ học, sẽ chăm chú lắng nghe hướng dẫn của cô, sẽ ngồi làm bài tập ở nhà chăm chỉ. Khi thấy bài học hứng thú, khi không cảm thấy bị ép buộc phải học, và khi được cô, cha mẹ khen ngợi khuyến khích khi trẻ sẽ làm đúng theo hướng dẫn. Nếu trẻ lo lắng sợ hãi, không muốn đi học mà bị ép buộc phải ngồi học thì dù ở lớp hay ở nhà trẻ đều sẽ KHÔNG THỂ tập trung học, dẫn đến kết quả học không tốt.
Với những trẻ có vấn đề về phát triển như trẻ bị tự kỷ, bị tăng động giảm chú ý, hoặc chậm phát triển thì việc phải ngồi tập trung một thời gian quả là một thử thách rất lớn và cần có những hướng dẫn riêng phù hợp với tình trạng của mỗi trẻ để có thể giúp trẻ học. Nếu cha mẹ, cô giáo nghi ngờ trẻ có những vấn đề về khả năng tập trung chú ý, hoặc bất cứ vấn đề gì thì nên cho trẻ di khám đánh giá sức khỏe, không nên mắng, phạt trẻ vì không phải trẻ không muốn làm mà vì trẻ không có khả năng làm theo những gì người lớn muốn. 

PV: Vậy trẻ cần có các kỹ năng gì thưa bác sĩ?

ThS. Phạm Bích HàVới những trẻ phát triển bình thường, để có thể tập trung học tốt thì sự quan tâm đúng cách của cha mẹ và thầy cô quan trọng hơn chính kỹ năng của bé. Để giúp trẻ tăng khả năng tâp trung chú ý trong giờ học, dù ở trường hay ở nhà, cha mẹ và thầy cô có thể áp dụng các biện pháp sau:  

- Tìm cách làm cho trẻ thấy giờ học là niềm vui, khi đó trẻ sẽ cảm thấy phấn khích và thích học. Không để trẻ cảm thấy bi ép phải đi học, gây tâm lý ức chế, cảm xúc âm tính và phản ứng chống đối.
- Rèn cho trẻ biết tuân theo kỷ luật giờ nào việc nấy từ trước khi đi học lớp một. 
- Cho trẻ ăn đủ no và đủ chất từ sáng để không bị hạ đường huyết hay mệt mỏi trong buổi học.
- Trẻ được ngủ đủ giấc từ đêm để không bị buồn ngủ trong giờ học.
- Cha mẹ, cô giáo cần luôn bày tỏ sự yêu thương, luôn khuyến khích động viên trẻ, không quát mắng trẻ.
- Không để trẻ phải ngồi học trong thời gian dài quá khả năng tập trung của trẻ. 

PV: Trẻ còn non nớt và chưa thể ngay lập tức viết đúng dòng, đúng li hay làm toán giỏi. Đây không chỉ áp lực với con mà là áp lực với cả bố mẹ. Bác sĩ có lời khuyên gì với các cha mẹ? C
ó nên cho học trước hoặc có nên sốt ruột khi con chậm hơn so với các bạn?

ThS. Phạm Bích HàKhác với đi học mẫu giáo, lớp một là thời điểm trẻ bắt đầu vào môi trường mới có kỷ luật hơn, phải tuân thủ mọi hướng dẫn của cô giáo và phải ra được kết quả, đây là cả một thử thách lớn đối với trẻ. Nếu được khen, được khuyến khích, trẻ sẽ thấy là “Mình có thể làm được” trẻ sẽ tự tin vào bản thân, sẽ cố gắng làm tốt hơn. Nếu bị chê bai, trách mắng trẻ sẽ thấy “Mình kém cỏi, mình không thể làm được” và sẽ phát triển cảm xúc lo lắng, sợ hãi, mất hết tự tin vào bản thân dẫn đến phản ứng thu mình hoặc là phản ứng chống đối phá phách.  

Cha mẹ, cô giáo cần hiểu tâm lý của trẻ trong những buổi đầu vào học để khuyến khích động viên trẻ. Cứ kiên nhẫn chỉ sau vài tuần trẻ sẽ đọc thông, viết thạo rồi sẽ tiếp tục rèn tính cẩn thận cho trẻ dần dần. Nếu những tuần học đầu tiên suôn sẻ, vui vẻ,  trẻ sẽ đọc tốt, viết tốt, làm toán tốt vào những tuần sau, tháng sau. Cha mẹ không nên quá lo lắng và cố ép trẻ làm tốt ngay, đúng ngay từ những tuần đầu tiên, tháng đầu tiên. Hãy để trẻ có thời gian thích ứng và học theo khả năng của mình và theo đúng chương trình học của trẻ ở trường.

Theo cá nhân tôi thì không cần cho trẻ đi học chữ trước khi trẻ vào học lớp một, vì nếu đã biết đọc biết viết từ trước thì trẻ sẽ chủ quan không nghe cô giáo hướng dẫn trong giờ học, không rèn được khả năng tập trung chú ý, không lắng nghe hướng dẫn của cô, khó học ở những bài khó hơn sau này. Nếu trẻ bị ép học trước 6 tuổi, và trẻ có cảm giác bị ép phải học thì cái hại nhiều hơn cái lợi vì trẻ sẽ có tâm lý sợ học , ảnh hưởng rất không tốt đến việc trẻ vào học lớp một.

Tóm lại để chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng về mọi mặt để có thế vào lớp một một cách hiệu quả vui vẻ, cha mẹ cần lưu ý những điểm sau:

Trong thời gian từ 0-5 tuổi trẻ cần được bố mẹ chơi cùng. Chơi cùng và tương tác với trẻ trong khi chơi chính là giúp trẻ học, chính là đang dạy trẻ nhận thức được mọi điều đang xảy ra xung quanh. Khi trẻ chơi xếp hình, tô mầu tranh, chơi đất nặn, chơi giả vờ ……chính là trẻ đang phát triển những kỹ năng tập trung, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cầm bút, kỹ năng sử dụng và phối hợp tay mắt, phối hợp các ngón tay để chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một. 

Dạy trẻ biết tự phục vụ bản thân, biết giờ nào việc nấy chính là đang giúp trẻ phát triển các kỹ năng kỷ luật, kỹ năng sống hòa nhập với tập thể, chuẩn bị rất tốt cho trẻ sẵn sàng vào học lớp một. 

Tất cả những kỹ năng này không thể đợi đến khi trẻ chuẩn bị đi học lớp một mới dạy, phải giúp trẻ thực hiện dần dần từ thấp đến cao, từ dễ đến khó ngay từ khi trẻ được 1 tuổi. Nếu làm tốt những việc này thì trẻ sẽ bước vào lớp một với tâm lý hoàn toàn thoải mái, không lo lắng sợ hãi và trẻ sẽ học và hòa nhập rất tốt với môi trường học phổ thông. Trẻ sẽ khá độc lập, tự chủ trong mọi việc học hành, tự phục vụ bản thân, bố mẹ không phải ngồi kè kè bên con để ép con học, không phải quát mắng giục giã trẻ đi ăn, đi tắm…, và việc dạy con sẽ không quá vất vả, học sẽ là niềm vui của cả con và bố mẹ. 


Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

1 nhận xét: